1. Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu
Đây là một sự bổ sung cần thiết trong tương lai để góp phần đảm bảo cuộc sống cho người lao động không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 giải thích trợ cấp hưu trí xã hội là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm cho người cao tuổi đủ điều kiện theo quy định
Theo Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện:
(1) Từ đủ 75 tuổi trở lên;
(2) Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
(3) Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Ngoài ra, công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm (2) và điểm (3) thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
2. Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ thai sản
Hiện nay, theo Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bao gồm chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.
Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội đã bổ sung chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng.
Căn cứ theo Điều 95 Luật Bảo hiểm xã hội, người tham gia BHXH được hưởng chế độ thai sản 02 triệu đồng cho:
- Mỗi con được sinh ra
- Và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên không may chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Đối với lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn khi sinh con thì ngoài mức hưởng nêu trên,vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con theo quy định của Chính phủ.
Điều kiện để được hưởng trợ cấp thai sản này là người lao động tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
3. Bổ sung thêm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
So với quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bổ sung thêm một số đối tượng người lao động là công dân Việt Nam phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên mà làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất
- Chủ hộ kinh doanh.
- Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Quy định mới này được kỳ vọng sẽ đảm bảm hơn về quyền lợi cho các nhóm đối tượng người lao động.
4. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH dựa vào mức tham chiếu
Hiện nay, theo Điều 87, Điều 89 Luật BHXH 2014 thì mức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm bắt buộc căn cứ theo mức chuẩn hộ nghèo mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng:
Đối tượng
|
Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất
|
Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cao nhất
|
BHXH tự nguyện
|
Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn hiện nay là 1,5 triệu đồng/tháng
|
20 lần mức lương cơ sở, hiện nay là 46,8 triệu đồng/tháng
|
BHXH bắt buộc
|
Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động. Hiện nay:
- Vùng I là 4.960.000 đồng/tháng,
- Vùng II là 4.410.000 đồng/tháng,
- Vùng III là 3.860.000/tháng
- Vùng IV là 3.450.000/tháng
|
20 lần mức lương cơ sở, hiện nay là 46,8 triệu đồng/tháng
|
Thì Luật BHXH mới quy định căn cứ mức đóng BHXH của người lao động dựa trên mức tham chiếu.
Điều 7 Luật này quy định, mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội do Chính phủ quyết định
Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Đối tượng
|
Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất
|
Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cao nhất
|
BHXH tự nguyện
|
Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, hiện là 1,5 triệu đồng/tháng.
|
20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng
|
BHXH bắt buộc
|
Bằng mức tham chiếu
|
20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng
|
Tuy nhiên, khoản 13 Điều 141 Luật BHXH 2024 quy định rõ:
Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật này bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
5. Người mắc bệnh dài ngày không còn được hưởng full chế độ trong 180 ngày
Hiện nay, theo khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động mắc bệnh cần chữa trị dài ngày thì được hưởng chế độ ốm đau trong tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Sau khi hết thời gian nghỉ này mà cần tiếp tục điều trị thì người lao động mới bị tính mức hưởng thấp hơn.
Tuy nhiên Luật mới đã bỏ quy định về việc cho người mắc bệnh dài ngày nghỉ đến 180 ngày. Thay vào đó, Điều 43 quy định, thời gian nghỉ chế độ ốm đau của người lao động đều được xác định thời gian đóng bảo hiểm và điều kiện làm việc, không phân biệt người đó mắc bệnh gì.
Theo đó, người lao động mắc bệnh dài ngày chỉ được tính hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian như sau:
- Làm việc trong điều kiện bình thường:
+ 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
+ 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.
+ 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
- Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn:
+ 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
+ 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.
+ 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Sau khi hết thời gian nghỉ nói trên mà người mắc bệnh dài ngày vẫn cần tiếp tục điều trị thì vẫn được nghỉ làm hưởng chế độ ốm đau ở mức thấp hơn.
6. Bổ sung quy định đối với trường hợp nghỉ ốm đau nửa ngày
Theo Luật mới, người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp tại Điều 45 sau đây:
- Điều trị khi mắc bệnh mà không phải bệnh nghề nghiệp;
- Điều trị khi bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động.
- Điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường, và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động...
Khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày trở lên được tính là một ngày.
Đây là quy định mới so với Luật BHXH hiện hành, nếu nghỉ ốm nửa ngày sẽ không được giải quyết chế độ ốm đau.
7. Mọi trường hợp phá thai đều được hưởng chế độ thai sản
Căn cứ Điều 52 Luật bảo hiểm xã hội mới, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi sẩy thai, phá thai, thai chết lưu được quy định như sau:
- Tối đa 10 ngày: Thai dưới 05 tuần tuổi.
- Tối đa 20 ngày: Thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi.
- Tối đa 40 ngày: Thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi.
- 120 ngày nếu thai từ 22 tuần tuổi trở lên.
Như vậy, khi người lao động sử dụng các biện pháp can thiệp y tế nhằm chấm dứt sự phát triển của thai nhi (được hiểu đơn giản là trường hợp phá thai) cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản, dù đó là phá thai bệnh lý hay ngoài ý muốn.
Hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ giải quyết chế độ cho người lao động sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì mới được hưởng chế độ thai sản.
8. Đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm được nhận lương hưu
Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, để được giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng, ngoài điều kiện về tuổi, người lao động còn phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên (trừ trường hợp lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì chỉ cần đóng bảo hiểm từ đủ 15 năm trở lên).
Luật Bảo hiểm xã hội mới đã rút ngắn điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu với cả trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Căn cứ Điều 64 và Điều 98 Luật BHXH, người lao động chỉ cần tích lũy từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì sẽ có cơ hội được giải quyết hưởng lương hưu khi đủ tuổi.
Tuy nhiên, nội dung Luật cũng nêu rõ, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc rút tiền 1 lần sau thời điểm Luật mới có hiệu lực thì ở lần đóng bảo hiểm sau phải tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì mới được hưởng lương hưu, trừ trường hợp nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động.
Quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để nhiều người lao động được lãnh lương hưu hơn trong tương lai.
9. Tham gia BHXH từ thời điểm 01/7/2025 không được rút bảo hiểm xã hội 1 lần nếu không thuộc trường hợp quy định
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật mới được thông qua là quy định:
Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (tức ngày 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần.
Như vậy, người lao động tham gia BHXH từ ngày 01/7/2025 trở đi thì không được rút BHXH một lần nếu không thuộc các trường hợp được rút BHXH 1 lần như:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH
- Ra nước ngoài để định cư
- Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS...
- Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01/7/2025, sau 12 tháng không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội..
Bên cạnh đó, từ thời điểm Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực - ngày 01/7/2025 bổ sung thêm hai đối tượng được rút BHXH một lần tại Điều 102, gồm:
(1) Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
(2) Người khuyết tật đặc biệt nặng.
10. Thu hẹp phạm vi thân nhân được hưởng trợ cấp tuất
Theo Luật Bảo hiểm xã hội mới, khi người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không may qua đời, trợ cấp tuất chỉ được chi trả cho những thân nhân sau đây theo khoản 2 Điều 86 nếu họ đáp ứng đủ điều kiện mà pháp luật quy định:
- Con của người lao động.
- Vợ/chồng của người lao động.
- Cha, mẹ đẻ, cha mẹ của vợ/chồng của người lao động.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, những thân nhân là thành viên khác trong gia đình mà người lao động tham gia bảo hiểm xã hội có nghĩa vụ nuôi dưỡng vẫn đang được chi trả trợ cấp tuất một lần hoặc tuất hằng tháng (tùy trường hợp).
Như vậy, những người thân là người mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng sẽ không còn được hưởng trợ cấp tuất khi người lao động chết.