Xã Cẩm Thành nằm ở phía Bắc huyện Cẩm Xuyên, cách thành phố Hà Tĩnh về phía Nam 8km, có đường quốc lộ 1A đi qua. Được hưởng lợi từ nguồn nước của hồ Kẻ Gỗ. Tổng diện tích tự nhiên: 10,97km2, diện tích đất canh tác 646 ha, có 2232 hộ với tổng dân số 8291 nhân khẩu. Là xã đồng bằng sản xuất nông nghiệp, địa bàn rộng với quy mô 9 đơn vị thôn. Đảng bộ xã có 16 chi bộ trong đó có 3 chi bộ giáo dục, 1 chi bộ Trạm y tế, 1 chi bộ Công an, 1 chi bộ quân sự, 1 chi bộ Quỹ TDND. Tổng số Đảng viên 526 đồng chí, chiếm 7% dân số. Đảng bộ xã 38 năm liên tục được công nhận là Đảng bộ TSVM. Chính quyền vững mạnh toàn diện; Các tổ chức Đoàn thể trong hệ thống chính trị được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xã có 3 trường học đều đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 và Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3, là đơn vị đạt xã Nông thôn mới năm 2014, xã nông thôn mới nâng cao năm 2021, xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về văn hóa năm 2023. Là xã có truyền thống văn hóa và tương thân tương ái trong xây dựng cuộc sống cộng đồng, cơ sở vật chất các công trình phúc lợi cơ bản được quy hoạch và xây dựng phát huy có hiệu quả.
Xã Cẩm Thành được thành lập bởi sự hợp nhất của hai xã cũ là Hương Cần, Hương Duệ và một phần nhỏ của địa phận xã Quan Duệ (tức làng Na Kênh).
Xã Hương Cần xưa gồm 8 làng: Làng Bàu, Làng Cần, Làng Cồn, làng Đông, làng Kênh, làng Kênh Cạn, làng Vịt và làng Na Kênh.
Xã Hương Duệ xưa có 2 làng: Làng Hương Duệ và làng Kẻ Gáo.
Cả Hương Cần, Hương Duệ và Quan Duệ đều thuộc Tổng Mỹ Duệ và cùng được lập nên vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVI. Theo từng thời gian lịch sử, Cẩm Thành có một số tên gọi khác nhau. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, xã mang tên là Đại Thành. Từ 1947 đến 1954 xã mang tên là Thạch Thành (bao gồm 2 xã Đại Thành và Thạch Lâu). Sau cuộc giảm tô 1954, xã Thạch Thành lại chia thành 2 xã, tên gọi Cẩm Thành ra đời từ đó.
Cẩm Thành hiện nay có 9 thôn: An Việt (làng Vịt cũ). Bắc Thành, Nam Thành (làng Cồn Cũ) hợp lại thành thôn Nam Bắc Thành. Thôn Kênh (làng Kênh cũ). Tân Cần, Vĩnh Cần (làng Cần cũ) hợp lại thành thôn Tân Vĩnh Cần. Hưng Mỹ (Hương Duệ cũ). Đông Lộ (kẽ Gáo cũ), Quán Kho, xóm Đồng hợp lại thành thôn Đông Nam Lộ. Đồng Nương, Đồng Liềm, Thượng Bàu, Hạ Bàu (Làng Bàu cũ) hợp lại thành thôn Đồng Bàu. Đông Nam, Đông Trung (làng Đông cũ) hợp lại thành thôn Trung Nam. Kênh Kạn, Na Kênh, Mỹ Phương (Na Kênh cũ) hợp lại thành thôn Đông Mỹ.
Cẩm Thành là một xã đồng bằng với những cánh đồng bằng phẳng, thẳng cánh cò bay, 80% diện tích đất đai, thổ nhưỡng của Cẩm Thành thuộc loại đất sét nặng, còn lại những dải đất thuộc các làng chạy dọc triền sông là đất cát pha hay sét nhẹ. Phía Tây của xã có con sông Ngàn Mọ chảy qua. Đoạn sông chảy trên đất Cẩm Thành có độ dài 7km. Nếu đi từ nguồn về xuôi, Cẩm Thành nằm về phía hữu ngạn của dòng sông. Sông Ngàn Mọ có 2 nhánh, một nhánh chảy ra Cửa Sót (Thạch Hà), một nhánh chảy về Nhượng bạn (Cẩm Xuyên). Hai nhánh sông đổ về hai cửa bể rất thuận lợi cho thuyền bè xuôi ngược với những thứ hàng hoá thiết yếu như hải sản từ Cửa Nhượng, Cửa Sót đi lên; gỗ lạt than củi, lâm sản… từ miền ngược xuôi về.
Ôm lấy làng Na Kênh(cũ) ở phía Đông Nam xã còn có một con sông đào: sông Na. Con sông này nối hai nhánh của sông Ngàn Mọ, Người xưa gọi là kênh nhà Lê, vì nó ra đời vào thời Hậu Lê. Dòng sông Ngàn Mọ chẳng những là đường giao thông thuỷ đem lại nhiều nguồn lợi cho người dân trong vùng mà còn tôn tạo cho cảnh quan nơi đây một vẻ đẹp thơ mộng dịu dàng. Tuy nhiên hàng năm về mùa mưa lũ nó cũng gây nên những trận thuỷ tai khá nguy hiểm.
Thuở trước, muốn đi từ Hương Cần qua Quan Duệ, người ta phải đi qua một bến đò ngang - bến đò ngã ba sông Ngàn Mọ. Đó là bến đò Na. Vì bến đò này nằm trên con đường độc đạo nên ngày ngày khách qua đò lên xuống nhộn nhịp đông vui. Đây cũng là một "điểm hẹn" đối với những đôi tria gái. Bến đò Na là một thắng cảnh của Cẩm Thành.
"Sớm chiều đến bến Đò Na
Kẻ qua người lại thật là vui thay
Thuyền anh cập bến đò này
Thuyền tình, thuyền ngãi đắm say lòng người"
Chảy qua mảnh đất làng Đông xưa còn có con hói: Hói Chùa, hói Kênh Cạn, hói Na, hói Mỹ Phương, hói ông Trứng với tổng chiều dài 8,7km.
Phía Tây bắc xã, xuyên qua dải đất làng Cần xuống tận làng Vịt (An Việt) là một con hói có tuổi đời hàng trăm năm chảy qua cánh đồng rộng rồi đổ ra dòng sông Ngàn Mọ. Đó là Hói Vịt. Mùa nước nổi, con hói này có tác dụng tiêu úng khá nhanh cho một số diện tích canh tác lớn của Cẩm Thành.
Từ khi công trình đại thuỷ nông Kẻ Gỗ ra đời, dòng kênh chính của hồ chứa nước lớn từ thượng nguồn chảy xuôi về các xã miền duyên hải được kiến tạo. Dòng kênh này đi qua địa phận Cẩm Thành có độ dài 3.5km, lưu lượng nước khá lớn. Con kênh N3 chạy từ địa phận Quán Kho xuôi về Cẩm Vịnh đổ ra các xã phía Nam Thạch Hà như một chi lưu của dòng kênh chính. Đoạn Chi lưu N3 đi qua Cẩm Thành dài 3km. Từ lòng kênh N3 toả ra hai bên là những con mương dẫn nước về các cánh đồng. Hệ thống mương máng này đã được bê tông hoá. Đồng ruộng Cẩm Thành vì thế hết sức thuận lợi về tưới tiêu
Cẩm Thành là xã thuần nông, chủ yếu sản xuất lúa và chăn nuôi. Ngoài ra, ở đây còn có một số người làm nghề thủ công hoặc buôn bán. Nghề bịt nón lá có khá sớm ở xứ Quán Kho. Những chiếc nón lá rộng vành, là một vật dùng che nắng che mưa không thể thiếu được của người nông dân xưa. Khi nón đã quá cũ, người ta mang ra bịt lại bằng những lớp lá mới để dùng tiếp. Bịt nón đã trở thành một nghề tồn tại khá lâu và có những người khá nổi tiếng trong nghề này như Cố Tề, bà Báu… Ngày xưa làng Vịt (An Việt) nổi tiếng với nghề làm bún. Bún làng Vịt sợi tròn, mịn màng, ăn rất dẻo. Ở làng Vịt từng có khoảng 20 hộ với 80 lao động làm nghề này. Các nghề may mặc, mộc nề… cũng xuất hiện trên vùng này khá sớm. Cụ Phùng (làng Cần), cụ Lộc Mai (làng Vịt), cụ Yến (làng Cồn), cụ Căn (làng Đông), cụ Đức (làng Bàu) là những thợ may kỳ cựu tên tuổi trong vùng. Với nghề mộc, từ 1945 trở về trước, cả Tổng Mỹ Duệ ngày xưa chưa có ai qua mặt được cụ Huế.
Thời kỳ 1945 trở về trước, trên vùng đất này đã có một trung tâm buôn bán lâu đời. Đó là chợ Chùa. Người dân qua lại ngược xuôi có thể cập bến lên chợ bán mua, trao đổi hàng hoá. Chợ được nhóm họp trên một khu đất rộng của làng Cồn. Theo lời các cụ cao niên kể lại thì tên khai sinh của chợ Chùa là chợ Rùa bởi vị trí chợ đóng có hình mai rùa. Đến thời Hậu Lê, nhà nước phong kiến quyết định nắn lại dòng sông Ngàn Mọ để việc đi lại trên sông thuận tiện hơn. Sau khi nắn lại, dòng chảy của sông lấn vào, hình thể khu chợ có sự thay đổi. Vị trí chợ họp khá hữu tình, có con đường huyện lộ đi qua, những cây đa, cây thị cổ thụ xum xuê toả bóng, thuỷ bộ giao hoà; hàng quán đông đúc. Phía nam của chợ có một ngôi chùa (không rõ tên). Có lẽ vì đặc điểm này mà từ khi mảnh đất hình mai rùa bị biến dạng thì chợ lại được mang một cái tên mới - chợ Chùa. Chợ Chùa có từ bao giờ, không thấy tài liệu nào ghi chép. Ngày xưa ở Tổng Mỹ Duệ và những xã xung quanh đều có chợ: Chợ Vực (ở Mỹ Duệ); Chợ Bến (ở Vĩnh Lại) tức Cẩm Vịnh; Chợ Đình (ở Tân Bình tức Cẩm Bình), chợ Chùa ở Hương Cần, Chợ Na ở Quang Huy. Thế nhưng sách "Đại Nam nhất thống chí" (Tập 2 - NXB khoa học xã hội - Hà Nội - 1970 - Tr.90) thì chỉ ghi danh 2 chợ, đó là chợ Chùa ở Hương Cần và chợ Vực ở Mỹ Duệ. Căn cứ vào sử liệu này, có thể nhận định: Chợ Chùa xưa là chợ lớn đồng niên với chợ Vực - một chợ vào loại lớn của vùng bắc Cẩm Xuyên. Chợ ra đời vào khoảng nửa sau thế kỷ XVI. Như vậy, đến nay chợ đã có trên 300 năm. Năm 1968, khi giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt, chợ Chùa không còn tại nơi cũ, phải dời đi một địa điểm khác, song cái tên "chợ Chùa" cho đến bây giờ vẫn được lưu giữ. Hiện nay xã đang có chủ trương quy hoạch lại chợ Chùa thành một khu trung tâm thương mại của xã. Những năm gần đây dịch vụ buôn bán của Cẩm Thành phát triển khá mạnh. Các khu vực Da Dù, Quán Kho dọc hành lang ở hai bên đường tỉnh lộ đi từ Hưng Mỹ lên Làng Kênh đã trở thành những khu buôn bán.
Cẩm Thành là xã có nhiều thế mạnh về giao thông đường bộ. Xã có 2,5km đường Quốc lộ 1A chạy qua từ Da Dù vào Quán Kho, Hai đường trục lớn ở về hai phía bắc và nam của xã đã được nhựa hoá: 1tuyến đường chạy từ Quán Kho về trung tâm xã, một tuyến đường chạy từ Da Dù lên cầu Cẩm Thạch. Tổng chiều dài 2 tuyến đường này là 4km. Ngoài những trục đường chính, xã còn có một hệ thống đường liên hương chạy dọc chạy ngang nối liền các thôn xóm hoặc đi sang các xã bạn.
Cẩm Thành có nhiều địa danh khá nổi tiếng. Da Dù thuộc làng Hương Duệ xưa, theo truyền thuyết kể lại rằng, tại đây đã xuất hiện một cây Đa bên đường (người dân địa phương gọi là cây Da). Cây Đa lớn cành lá xum xuê, xoè rộng như hình cái ô, toả bóng mát quanh năm, là điểm nghỉ ngơi, tránh nắng của người qua lại. Cái tên Da Dù có từ đó. Cảnh vật hữu tình, lều quán mọc lên, Da Dù trở thành nơi dân cư đông đúc. Tại đây, thời kỳ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, lá cờ đỏ búa liềm đã được cắm tung bay trên đỉnh ngọn cây "Da Dù".
Theo đường Quốc lộ 1A đi vào khoảng 2km là địa danh Quán Kho. Thời Pháp thuộc, cơ quan canh nông của Pháp đã về đây xem xét và thành lập một khu công viên trồng các loại cây. Từ đó có người đã nhìn thấy lợi thế làm ăn lâu dài bèn mở quán nhỏ bên đường để buôn bán. Cái tên Quán Kho xuất hiện. Quán Kho là nơi đã chứng kiến cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng của 500 quần chúng xã Nhượng Bạn trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Cẩm Thành là nơi sinh sống của 20 dòng họ, trong đó có những dòng họ có nhiều người đỗ đạt như họ Nguyễn, họ Đậu, Trần Đình, họ Lê Đức. Từ thế kỷ XV, đã có các Tiến sĩ như Trần Viết Thứ, Nguyễn Hoành Từ... tên tuổi được ghi vào sách Đại Nam nhất thống chí, được lưu danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Họ Nguyễn Hương Duệ còn có người làm quan võ đời Lê Thánh Tông - cụ Nguyễn Đình Dĩnh. Cụ được phong Võ Hầu Đại vương. Hiện còn mộ và lăng tại làng Hưng Mỹ. Làng Na Kênh, nằm bên bờ sông Na, là nơi quy tụ của 9 dòng họ trong đó lâu đời nhất và thành đạt nhất có họ Lê Đức. Đến nay, dòng họ đã trải qua 14 đời. Từ thời hậu Lê, họ Lê Đức đã xuất hiện những nhân vật có tiếng trong vùng. Ông Lê Đức Mậu (thuỷ tổ họ Lê Đức), từng giữ chức quan võ trấn ở vùng đất biên ải phương Nam. Ông được nhà Lê phong "Phúc thần thành hoàng" và được nhân dân lập đền thờ.
Cẩm Thành là vùng đất có truyền thống học hành. Trước Cách mạng tháng Tám, bên cạnh việc dạy và học chữ Hán, việc học chữ Quốc ngữ cũng rất được chú trọng. Một số hộ gia đình khá giả đã mời thầy về làm gia sư dạy chữ Quốc ngữ cho con cái họ, con em trong vùng cũng đến xin học. Dần dần các lớp học chữ Quốc ngữ đông dần lên 41 người đỗ Prime, 8 người đỗ Diplôme và 2 người đỗ tú tài.
Năm 1947, một phân hiệu của trường PTTH Phan Đình Phùng về đóng tại xã Đại Thành. Các lớp phổ thông trung học Đại Thành được thành lập với 3 lớp học (2 lớp đệ nhất và 1 lớp đệ nhị). Năm 1948, trường có 2 lớp đệ nhất, 2 lớp đệ nhị và 1 lớp đệ tam. Con em xã Đại Thành, vùng Bắc Cẩm Xuyên và vùng Nam Can Lộc, Bắc Kỳ Anh đến đây học tập. Năm 1948, Cẩm Thành được Sở bình dân học vụ liên khu IV tặng Bằng khen về phong trào thi đua diệt giặc dốt. Năm 1965, Cẩm Thành có thêm trường bổ túc văn hoá cho cán bộ huyện Cẩm Xuyên trường có hai lớp với 80 học viên. Đến nay, Cẩm Thành đã có hệ thống trường lớp khang trang cho cả 3 cấp học, chất lượng giáo dục đạt thành tích cao, Cả ba trường học đều đạt chuẩn Quốc gia. Toàn xã hiện có 5 người có học vị Tiến sĩ, 4 Thạc sĩ, 141 người có trình độ Đại học và 60 người tốt nghiệp Cao đẳng.
Cẩm Thành là xã có đại bộ phận dân cư là Lương giáo. Trước năm 1945, tất cả các làng cũ ở hai xã Hương Cần, Hương Duệ đều có đền chùa.
- Đền Thánh Phủ ở làng Vịt là nơi thờ các vị thánh của địa phận phủ Thạch Hà bao gồm ba huyện phía Nam Hà Tĩnh: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Tương truyền đền Thánh Phủ được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 18. Đền có cổng tam quan nhìn ra sông Ngàn Mọ. Đền gồm 3 toà nhà rộng mái ngói lợp âm dương, có lưỡng long triều nguyệt. Phía trước có vọng lâu khá cao, cấu trúc 3 tầng bằng gạch, đá vôi. Phía ngoài có bia đá khắc tên các danh nhân, có voi quỳ, rồng chầu, hổ phục.
- Điện Bà Chúa được xây dựng cách đây khoảng 200 năm (đầu thế kỷ 19). Khuôn viên Điện Bà Chúa khoảng 80m2. Điện hướng ra sông Ngàn Mọ. Nếu căn cứ vào nội dung bức tước phong của vua Bảo Đại, tháng 6 năm 1936 :
Hiển hách toàn vô chí thị nguyệt
Tư lưu kiêm hữu thế an tâm.
Và giữa đề 3 chữ: "Nhân như thiên", thì Bà Chúa được thờ ở đây là công chúa Quế Hoa (cũng có giả thiết nói rằng thờ công chúa Liễu Hạnh).
- Miếu Cò, tương truyền đây là nơi trú ngụ của các đàn chim, đông nhất là loài cò (tên Miếu Cò xuất phát từ hiện tượng này). Hàng năm nhằm vào ngày ngày 30 tháng Chạp, dân làng đến đây để tế lễ Thành Hoàng. Trong thời kỳ Đảng ta còn hoạt động bí mật, Miếu Cò là một đầu mối trong đường dây liên lạc của Đảng.
- Đền Hàng Tổng, được xây dựng đầu thế kỷ 19, là nơi thờ tứ vị thánh nương. Đền toạ lạc trên một khu đất rộng khoảng 2000m2, cảnh trí hữu tình, cây cối um tùm, bến nước trong xanh, thuyền bè ngược xuôi, chợ búa tấp nập. Năm 1939, đền được trùng tu lại, hàng năm, người dân đến đây tế lễ hai kỳ vào lễ khai hạ tháng Giêng và lễ lục ngoạt tháng 6 âm lịch, Đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2013. Các hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian xưa của người dân Cẩm Thành khá đa dạng. Các hình thức vui chơi, giải trí như hát ví, hát phường vải, hát dặm, đối đáp, chơi cờ thẻ, cờ người, bơi thuyền, thả diều sáo... thường được tổ chức vào các ngày tế lễ trong năm, hết sức đông vui, nhộn nhịp.
Từ năm 2010 cùng với việc xây dựng Nông thôn mới các công trình văn hóa tâm linh được trùng tu, tôn tạo nâng cấp. Đến nay các đơn vị thôn đều có đền chùa, miếu mạo là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con nhân dân như: Miệu Làng Cần, Đền Làng Bàu, Đình Làng Kênh, Chùa Làng Đông, Miệu Đức Ông, Đền Thần Nông, Điện Bà Chúa…
Các hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian xưa của người dân Cẩm Thành khá đa dạng. Các hình thức vui chơi, giải trí như hát ví, hát phường vải, hát dặm, đối đáp, chơi cờ thẻ, cờ người, bơi thuyền, thả diều sáo... thường được tổ chức vào các ngày tế lễ trong năm, hết sức đông vui, nhộn nhịp.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, với sự đồng sức đồng lòng của cán bộ và nhân dân, năm 2014 Cẩm Thành về đích xã Nông thôn mới, năm 2021 về đích xã Nông thôn mới nâng cao, năm 2023 về đích xã Nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về Văn hóa. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã khóa XXXV nhiệm kỳ 2020 – 2025 phấn đấu về đích xã Nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện đạt, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống về tinh thần và vật chất cho người dân, xây dựng Cẩm Thành trở thành miền quê đáng sống./.