1. Luật Thuế giá trị gia tăng (hiệu lực từ 01/7/2025)

Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm 4 chương, 17 điều, quy định một số nội dung nổi bật như:

- Quy định thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản để góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp;

- Nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế lên mức 200 triệu đồng/năm.

- Bỏ quy định cho phép không nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra, nhưng lại được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với nông sản chưa chế biến hoặc sơ chế ở khâu thương mại;…

2. Luật Công đoàn (sửa đổi (hiệu lực từ 01/7/2025)

Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 06 chương, 37 điều (tăng 04 điều so với Luật hiện hành) quy định một số nội dung mới như:

- Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với người lao động Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động, bổ sung quyền gia nhập công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài, việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;

- Bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn nhằm giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi gặp khó khăn;

3. Luật Công chứng sửa đổi (hiệu lực từ 01/7/2025)

Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 08 chương, 76 điều (giảm 05 điều so với Luật hiện hành), trong đó có một số quy định mới như:

- Quy định tiêu chí về giao dịch phải công chứng;

- Quy định việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng, mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực;

- Sửa đổi, bổ sung quy định về việc đào tạo nghề công chứng, thời gian tập sự hành nghề công chứng, độ tuổi hành nghề công chứng;

- Bổ sung quy định cho phép thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh tại các đơn vị hành chính cấp huyện khi đáp ứng các tiêu chí quy định trong Luật;

- Bổ sung quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của Phòng công chứng;

- Bổ sung quy định về công chứng điện tử;

4. Luật Phòng không nhân dân(hiệu lực từ 01/7/2025)

Luật Phòng không nhân dân  gồm 07 chương, 47 điều quy định các nội dung chủ yếu về:

- Lực lượng phòng không nhân dân;

- Hoạt động phòng không nhân dân;

- Quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không;

- Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; nguồn lực, chế độ, chính sách cho phòng không nhân dân...

Luật Phòng không nhân dân tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân…

5. Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn(hiệu lực từ 01/7/2025)

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 05 chương, 59 điều, quy định một số nội dung cơ bản như:

- Quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 05 loại, 03 cấp độ quy hoạch, các trường hợp phải lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; trong đó, giản lược tối đa các trường hợp phải lập quy hoạch và cấp độ quy hoạch phải lập;

- Đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi;

- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và nông thôn gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, bảo đảm quản lý thống nhất từ trung ương tới địa phương;…

6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Gồm 03 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 40 điều của Luật hiện hành, bổ sung 02 điều với một số nội dung mới, như:

- Sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng bảo hiểm y tế, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng;

- Quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo cấp chuyên môn kỹ thuật;

- Quy định mức hưởng bảo hiểm y tế khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, mở rộng một số trường hợp được vượt tuyến để lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu; mở rộng một số phạm vi quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế; quy định trường hợp mắc bệnh mãn tính chuyển về y tế cơ sở để quản lý;

- Bổ sung quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và các biện pháp xử lý …

7. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) (hiệu lực từ 01/7/2025)

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương, 95 điều với một số nội dung mới như:

- Quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng phù hợp với Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động có tính đặc thù; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

- Hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược)(hiệu lực từ 01/7/2025)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 03 điều, trong đó, sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 02 điểm, 02 khoản và 01 điều của Luật hiện hành và bổ sung 03 điều mới, với những điểm mới cơ bản như:

-Tạo hành lang pháp lý cho các hình thức, phương thức kinh doanh mới là cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử;

- Mở rộng quyền của cơ sở sản xuất, cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu, cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong việc bán trực tiếp cho một số cơ sở y tế, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở kiểm nghiệm, cơ sở nghiên cứu, đào tạo và một số cơ sở khác; cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhập khẩu thuốc phục vụ nhu cầu điều trị đặc biệt của bệnh nhân tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;...

9. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam)(hiệu lực từ 01/12/2024)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung 14 điều của Luật hiện hành, quy định một số nội dung cơ bản về:

- Chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan;

- Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan;

- Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng;

- Thẩm quyền và một số chế độ, chính sách đối với sĩ quan (như thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn, chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái, trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương)...

10. Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) (hiệu lực từ 01/7/2025)

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 08 chương, 63 điều (tăng 05 điều so với Luật hiện hành); trong đó có một số nội dung mới như:

- Mở rộng đối tượng bảo vệ gồm: nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người dưới 18 tuổi đi cùng, người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người hoặc hỗ trợ nạn nhân;

- Mở rộng chính sách hỗ trợ cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng như: trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp luật, hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên nếu nạn nhân chưa có bảo hiểm y tế…

Quy định hành vi nghiêm cấm mạnh hơn, bao gồm cả nghiêm cấm hành vi "thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai" và nhiều hành vi khác nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa và xử lý hiệu quả các hành vi liên quan đến mua bán người.

11. Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (hiệu lực từ 01/7/2025)

Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 08 chương, 55 điều, quy định một số nội dung nổi bật như:

- Phòng cháy đối với nhà ở; phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; phòng cháy đối với cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất;

- Huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia chữa cháy và tham gia cứu nạn, cứu hộ; thành lập, quản lý và hoạt động lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành và lực lượng dân phòng;

- Xử lý đối với cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành…

12. Luật Địa chất và khoáng sản (hiệu lực từ 01/7/2025)

Luật Địa chất và khoáng sản gồm 12 chương, 111 điều, quy định một số nội dung cơ bản về:

- Việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản;

- Bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác;

- Hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản;

- Chế biến khoáng sản thuộc dự án đầu tư khai thác khoáng sản;

- Tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản;…

13. Luật Đầu tư công (sửa đổi)(hiệu lực từ 15/01/2025)

Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 103 điều (bổ sung 01 chương, tăng thêm 02 điều và sửa đổi 65 điều so với Luật hiện hành.

Luật quy định một số nội dung nổi bật như:

- Điều chỉnh quy mô dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C phù hợp với yêu cầu quản lý đầu tư công trong tình hình mới;

- Thể chế hoá 03 chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thí điểm (gồm: Tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập; quy định giao 01 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;…);

- Điều chỉnh các nội dung theo tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật đó là luật chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định những vấn đề cụ thể theo thẩm quyền, quy định chi tiết đối với các vấn đề có tính linh hoạt,…

14. Luật Tư pháp người chưa thành niên (hiệu lực từ 01/1/2026)

Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 05 phần, 10 chương, 179 điều; quy định một số nội dung lớn như:

- Quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng cùng với các điều kiện được áp dụng, thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội

- Quy định thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên không quá ½ thời hạn đối với người trưởng thành, trừ trường hợp vụ án có tính chất phức tạp;

- Giảm mức phạt tù tối đa đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi còn 09 năm, đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi còn 15 năm nhằm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về "Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự... đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội" và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới;

- Quy định trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân trong trại giam.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH CẨM XUYÊN
    Thống kê: 142.658
    Trong năm: 41.284
    Trong tháng: 30.335
    Trong tuần: 7.272
    Trong ngày: 922
    Online: 17