(Ban hành kèm theo Hướng dẫn số 93-HD/BTGTU, ngày 02/10/2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

I. QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM - 80 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU, CHIẾN THẮNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

1. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, đánh thắng hai trận đầu, cùng Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1944 - 1945)

Ngay từ khi ra đời (03/2/1930), trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải “Tổ chức ra quân đội công nông”[1] để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Luận cương chính trị của Đảng (tháng 10/1930) xác định nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền, trong đó chỉ rõ phải: “Lập quân đội công nông”[2].

Trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó là tiền đề đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Tiếp theo đó, hàng loạt tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập như: Đội du kích Bắc Sơn (1940), các đội du kích ở Nam Kỳ (1940), Cứu quốc quân (1941)…

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong Chỉ thị, Người ghi rõ: “Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”[3]; “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội, gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngay sau ngày thành lập, 17 giờ ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt và 07 giờ sáng hôm sau (26/12) đột nhập đồn Nà Ngần (đều đóng tại châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), tiêu diệt hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch, thu vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các địa phương và Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ, cùng Nhân dân ta nhất tề đứng lên, quyết chiến đấu với quân xâm lược. Cuối năm 1946, theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước chia thành 12 chiến khu. Lúc này, ở Nam Bộ vẫn tổ chức các chi đội Vệ quốc đoàn, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có 30 trung đoàn và một số tiểu đoàn thuộc các chiến khu; hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội được thành lập từ Trung ương Quân ủy đến chi bộ.

Đêm 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân ta đã đánh hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Mùa xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc, nơi đây trở thành trung tâm chỉ đạo kháng chiến của cả nước.

Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp huy động hơn một vạn quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, bất ngờ tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Sau hơn hai tháng mở chiến dịch phản công (7/10 - 20/12/1947), ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.000 tên địch. Đây là chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta; đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước.

Sau chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Quân đội ta đã có bước trưởng thành, song chưa có khả năng mở những chiến dịch lớn. Để đánh bại âm mưu bình định của địch, ta chủ trương phát động chiến tranh du kích rộng khắp và thực hiện “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, vừa đẩy mạnh chiến tranh du kích vừa học tập tác chiến tập trung vận động chiến. Các tiểu đoàn tập trung được củng cố xây dựng và từng bước tiến lên đánh những trận phục kích, tập kích lớn hơn. Từ đầu năm 1948 đến giữa năm 1950, bộ đội ta liên tiếp mở trên 20 chiến dịch nhỏ trên các chiến trường. Mức độ tập trung cho mỗi chiến dịch từ 3 đến 5 tiểu đoàn, sau nâng dần lên 2 đến 3 trung đoàn, có chiến dịch sử dụng cả sơn pháo và trọng liên. Trong nhiều trận đánh, quân ta đã tiêu diệt từng đại đội đến tiểu đoàn địch ở ngoài công sự và tiêu diệt cứ điểm có trên dưới một đại đội địch đóng giữ.

Từ giữa năm 1949, Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương rút các đại đội độc lập về xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực. Ngày 28/8/1949, Đại đoàn 308 ra đời; ngày 10/3/1950, Đại đoàn 304 được thành lập. Công tác huấn luyện được đẩy mạnh. Qua các cuộc vận động “luyện quân lập công”, “rèn cán chỉnh quân” trong các năm 1948, 1949 và đầu năm 1950, lực lượng vũ trang ta không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh.

Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới, chủ động tấn công Pháp. Sau gần một tháng (16/9 - 14/10/1950), ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch, giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, phá vỡ thế bao vây, khai thông liên lạc với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới. Chiến thắng Biên giới góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh: Ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, quân Pháp chuyển dần sang chiến lược phòng ngự; đồng thời đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật chiến dịch và sự trưởng thành lớn mạnh của Quân đội ta.

Sau chiến dịch Biên giới, các đại đoàn chủ lực tiếp tục được thành lập: Đại đoàn 312 (12/1950), Đại đoàn 320 (1/1951), Đại đoàn công pháo 351 (3/1951), Đại đoàn 316 (5/1951). Trong vòng 6 tháng (12/1950 - 6/1951), ta đã liên tiếp mở ba chiến dịch mang tên: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung. Đây là những chiến dịch quy mô lớn đầu tiên đánh vào phòng tuyến kiên cố của địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, diệt hơn một vạn tên địch, trong đó gần một nửa là quân cơ động.

Tháng 11/1951, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hoà Bình; vừa tập trung chủ lực trên mặt trận chính Hoà Bình, vừa đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm. Chiến dịch diễn ra từ ngày 10/12/1951 đến ngày 25/2/1952; quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch ở mặt trận Hòa Bình và hơn 15.000 tên địch ở mặt trận địch hậu. Bộ đội ta đã có bước tiến bộ mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày, về sự phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân.

Đầu tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Sau gần hai tháng chiến đấu (14/10 - 10/12/1952), ta đã tiêu diệt và bắt hơn 6.000 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng, nối thông vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch.

Ngày 05/12/1952, tại Bình - Trị - Thiên, Đại đoàn 325 được thành lập, góp phần tăng thêm sức mạnh chiến đấu của “các quả đấm chủ lực cách mạng”. Tính đến thời điểm này, đội quân chủ lực trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh đã có 6 đại đoàn bộ binh (308, 304, 312, 320, 316, 325) và 1 đại đoàn công binh, pháo binh (351).

Trước những thay đổi cục diện chiến tranh ở Đông Dương, trên cơ sở đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, tháng 9/1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên các chiến trường. Ta đã hình thành năm đòn tiến công chiến lược tại Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, buộc chúng phải căng ra đối phó ở khắp nơi.

Sau khi thực dân Pháp đổ quân đánh chiếm Điện Biên Phủ, trước thời cơ thuận lợi, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm (13/3 - 07/5/1954) liên tục chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay; thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch ở Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang (1944 - 1954).

3. Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mở ra một giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, tháng 3/1957, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (mở rộng) ra Nghị quyết về vấn đề xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, Nghị quyết chỉ rõ: “Phương châm xây dựng quân đội của chúng ta là tích cực xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước đến chính quy hoá và hiện đại hoá”[4].

Đến năm 1960, Quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh với tổ chức chưa thật thống nhất, vũ khí, trang bị còn thiếu thốn đã trở thành Quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân. Tạo nền móng cho xây dựng Quân đội tiến tới chính quy, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng.

Ở miền Bắc, Quân đội đã tích cực tham gia công tác tiếp quản các thành phố, thị xã và các vùng do quân Pháp chiếm đóng trước đây. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân quản, phối hợp với các lực lượng công an nhanh chóng thiết lập trật tự, trị an, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, đấu tranh chống địch bắt người, cướp của, phá hoại tài sản công cộng.

Ở miền Nam, trong những năm 1954 - 1960, Mỹ - Diệm thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo, gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (1/1959) nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng. Chấp hành nghị quyết của Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng Quân đội. Việc chuẩn bị cho bộ đội ta vào miền Nam chiến đấu cũng được xúc tiến. Theo đó, Sư đoàn 338 bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc đã được tập trung huấn luyện trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Ngày 19/5/1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở đường dọc dãy Trường Sơn bảo đảm cho lực lượng ta vào Nam chiến đấu và vận chuyển lương thực, súng đạn từ miền Bắc vào miền Nam. Tiếp đó, Đoàn 759 cũng được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam theo đường biển.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 đã mở đường cho cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi. Để đẩy mạnh cao trào cách mạng của quần chúng, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/02/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân ở miền Nam; đây là bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam.

Từ năm 1961, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Được cố vấn Mỹ chỉ huy và dựa vào hỏa lực Mỹ chi viện, ngụy quân Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá vùng giải phóng, gom dân lập “ấp chiến lược”. Quân và dân ta đã liên tục chiến đấu, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Trong đó, tiêu biểu là chiến thắng Ấp Bắc (1/1963) mở đầu cho sự thất bại của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của quân ngụy Sài Gòn; đồng thời mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” sôi nổi khắp miền Nam.

Ngày 05/8/1964, sau khi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, vu cáo Hải quân nhân dân Việt Nam cố ý tiến công tàu khu trục Mỹ ở vùng biển quốc tế nhằm đánh lừa dư luận, chính quyền Mỹ sử dụng không quân bất ngờ mở cuộc tiến công mang 12 tên “Mũi tên xuyên”, đánh phá vào hầu hết các căn cứ của hải quân ta trên suốt dải ven biển miền Bắc. Nhờ chuẩn bị từ trước, các đơn vị hải quân, phòng không, dân quân tự vệ đã kịp thời phát hiện, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương 2 chiếc khác, bắt 1 phi công. Trận đầu đánh thắng không quân Mỹ đã cổ vũ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân dân cả nước.

Tháng 10/1964, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các lực lượng vũ trang miền Nam mở đợt hoạt động Đông Xuân 1964 - 1965, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực ngụy, mở rộng vùng giải phóng. Sau các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài của ta giành thắng lợi, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ hoàn toàn bị phá sản.

Từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân chiến đấu của Mỹ và đồng minh cùng khối lượng lớn phương tiện chiến tranh vào miền Nam Việt Nam[5], đồng thời củng cố và tăng cường quân ngụy. Toàn bộ mục tiêu chiến lược của đế quốc Mỹ trong giai đoạn này là “tìm và diệt” chủ lực Quân Giải phóng và cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam, “bình định” miền Nam, uy hiếp tinh thần kháng chiến của Nhân dân Việt Nam, buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải ngồi vào bàn đàm phán theo những điều kiện áp đặt của Mỹ.

Trước tình hình đó, từ tháng 9 đến tháng 12/1965, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập tại chiến trường miền Nam 5 sư đoàn bộ binh (9, 3, 2, 5, 1) và một đơn vị pháo binh tương đương cấp sư đoàn mang phiên hiệu Đoàn pháo binh 69. Vừa xây dựng, vừa chiến đấu, bộ đội ta trên các chiến trường miền Nam đã tổ chức các trận tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - ngụy, mở ra phong trào “tìm Mỹ mà đánh”, “tìm ngụy mà diệt”.

Mùa khô 1965 - 1966, đế quốc Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất trên chiến trường miền Nam. Qua nửa năm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, quân và dân miền Nam đã đánh bại cuộc phản công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục nghìn tên địch. Tháng 10/1966, đế quốc Mỹ quyết định mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai nhằm tiêu diệt chủ lực và cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao, lực lượng vũ trang tại chỗ của ta đã trụ bám trận địa, tiến công rộng khắp, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực Quân Giải phóng mở các cuộc tiến công, gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh, buộc quân Mỹ phải chấm dứt cuộc phản công chiến lược lần thứ hai mùa khô 1966 - 1967.

Tháng 01/1968, Hội nghị Trung ương lần thứ 14 thông qua Nghị quyết của Bộ Chính trị (12/1967), quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Chỉ trong thời gian ngắn, quân và dân ta đã tiến công vào hàng loạt mục tiêu nằm sâu trong các đô thị trên toàn miền Nam, gây cho địch thiệt hại rất nặng nề, làm đảo lộn thế trận chiến lược của đế quốc Mỹ. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân về nước, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, đế quốc Mỹ không cam tâm chịu thất bại, từ năm 1969, chúng chuyển sang thi hành “Học thuyết Níchxơn” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trong những năm 1969 - 1972, đế quốc Mỹ sử dụng tối đa về sức mạnh quân sự, kết hợp với những thủ đoạn chính trị và ngoại giao hết sức xảo quyệt, hòng cô lập và bóp nghẹt cuộc kháng chiến của Nhân dân ta. Trước tình hình đó, quân và dân ta đã phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến đấu của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia anh em, giành được những thắng lợi to lớn, tiêu biểu là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Đông Bắc Campuchia; đồng thời mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam bằng các chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng ở Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, các chiến dịch tiến công tổng hợp ở đồng bằng sông Cửu Long, Trung Bộ.

Trước nguy cơ thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, ngày 6/4/1972, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc lần thứ hai (chiến dịch Linebacker I) với quy mô lớn, ác liệt hơn lần trước. Với tinh thần dũng cảm và cách đánh mưu trí, sáng tạo, qua 7 tháng chiến đấu quyết liệt, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 654 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 125 tàu chiến Mỹ.

Trước những thất bại nặng nề, đêm 18/12/1972, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất mang tên “Chiến dịch Linebacker II” đánh phá miền Bắc, tập trung ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng. Một lần nữa quân và dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, đánh bại cuộc tập kích chiến lược của địch; bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111. Bị tổn thất lớn và không đạt mục đích, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và nối lại cuộc đàm phán ở Paris. Dư luận thế giới gọi đây là trận “Điện Biên Phủ trên không”.

Những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, cùng với Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973), rút quân về nước. Tuy nhiên, ngụy quyền Sài Gòn ngang nhiên vi phạm Hiệp định, ráo riết thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, đẩy mạnh lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Để sớm kết thúc chiến tranh, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn: Quân đoàn 1 (tháng 10/1973), Quân đoàn 2 (tháng 5/1974), Quân đoàn 4 (tháng 7/1974), Quân đoàn 3 (tháng 3/1975) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn, tháng 02/1975). Việc thành lập các quân đoàn chủ lực đã đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong hai năm 1973 - 1974, quân và dân ta liên tiếp giành được thắng lợi quan trọng, làm cho cục diện chiến trường tiếp tục thay đổi có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 và đầu năm 1975 đã chỉ rõ sự xuất hiện thời cơ lịch sử và nêu quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11/3/1975, quân ta tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Tiếp đó, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên.

Sau khi chiến dịch Tây Nguyên nổ ra được một ngày, ngày 5/3/1975, quân ta mở chiến dịch Trị Thiên - Huế, giải phóng tỉnh Quảng Trị, thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên. Phát huy thắng lợi, từ ngày 26/3 - 29/3/1975, quân ta mở chiến dịch Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và thị xã Hội An. Phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, bộ đội ta tiến công giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên (1/4), Khánh Hòa (3/4)…

Từ những thắng lợi đó, Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26/4, quân ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng, do các Quân đoàn 1, 2, 3, 4, Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8) đảm nhiệm. 17 giờ ngày 26/4, chiến dịch bắt đầu. Sau nhiều trận chiến đấu quyết liệt đánh chiếm vòng ngoài thắng lợi, sáng 30/4, quân ta tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu then chốt; 10 giờ 45 phút, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ của Quân Giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Song song với các cuộc tiến công trên bộ giành thắng lợi, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tranh thủ thời cơ, mưu trí, táo bạo, bất ngờ tiến công lần lượt giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa: Song Tử Tây (14/4), Sơn Ca (25/4), Nam Yết (27/4), Sinh Tồn (28/4), Trường Sa (29/4). Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia ở quần đảo Trường Sa.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

4. Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 2024)

Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, các đơn vị Quân đội đứng chân trên các vùng mới được giải phóng đã phối hợp với Ủy ban quân quản các cấp, khẩn trương xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng cơ sở, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang địa phương; tổ chức cải tạo binh lính cảnh sát của bộ máy chính quyền cũ, trấn áp các phần tử và tổ chức phản động… Đồng thời, các đơn vị đã tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm trên mọi miền đất nước.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, Quân đội ta lại phải tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Trước hành động xâm lược của quân Pôn Pốt và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã thực hiện cuộc phản công, tiến công mạnh mẽ, đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh vào ngày 07/01/1979, tiến tới giải phóng toàn bộ đất nước Campuchia. Trong 10 năm (1979 - 1989), Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã phát huy tinh thần quốc tế trong sáng, cùng quân dân Campuchia truy quét tàn quân Pôn Pốt, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, hồi sinh đất nước.

Cũng đầu năm 1979, quân và dân ta phải chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Cuộc chiến đấu diễn ra trong thời gian ngắn (17/2 - 6/3/1979), nhưng trên thực tế tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng kéo dài đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Trong cuộc chiến đấu này, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc.

Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc có ý nghĩa lịch sử rất to lớn, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Trong những năm 1980 - 1986, Quân đội ta đã đẩy mạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục - đào tạo, xây dựng nền nếp chính quy; tích cực tham gia xây dựng kinh tế, xã hội. Toàn quân đã tổ chức hàng trăm cuộc diễn tập tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn với nhiều binh khí kỹ thuật hiện đại 16 trên các địa bàn chiến lược, góp phần rèn luyện, nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy của cán bộ và trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội.

Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) đến nay, Quân đội cùng toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước. Nổi bật là:

- Quân đội thường xuyên nắm chắc và dự báo đúng tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm sự ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tham mưu ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, các chiến lược, dự án luật, đề án về quân sự, quốc phòng. Phát huy tốt vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” và khu vực phòng thủ vững chắc.

- Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: “Huấn luyện là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên trong thời bình”. Trên cơ sở đó, toàn quân đã thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập; bám sát phương châm “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, theo hướng hiện đại, nâng cao sức cơ động chiến đấu của bộ đội, đáp ứng với các hình thái chiến tranh mới. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo và tổ chức thành công nhiều cuộc diễn tập tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng quy mô lớn, khẳng định sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân đội, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.

- Toàn quân thường xuyên duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là tình hình trên không, trên biển, biên giới, nội địa, ngoại biên, không gian mạng, kịp thời xử trí khi có tình huống, không để bị động, bất ngờ. Chủ động và kiên quyết đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch. Phối hợp với các lực lượng bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

- Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai nhiều giải pháp thiết thực xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; xây dựng Đảng bộ Quân đội và các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn quân trong sạch, vững mạnh tiêu biểu gắn với xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; tổ chức thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật và các mặt công tác khác. Đặc biệt, công nghiệp quốc phòng được phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng; đã nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất được một số vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại mang thương hiệu Việt Nam. Công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng đạt nhiều kết quả nổi bật trên cả bình diện song phương và đa phương; tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa, khắc phục hậu quả chiến tranh, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

- Thực hiện chức năng đội quân công tác, Quân đội đã có những đóng góp quan trọng trong thực hiện công tác dân vận; tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cách mạng, nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, tăng cường quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tích cực giúp Nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, xung kích trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ, để bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân; nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trong thực hiện nhiệm vụ cao cả này. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn có mặt ở những nơi xung yếu, hiểm nguy để giúp đỡ Nhân dân ứng phó với thiên tai, dịch bệnh đã làm ngời sáng thêm bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

- Thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất, Quân đội đã tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới; xây dựng và phát huy hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các địa bàn chiến lược, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Các doanh nghiệp quân đội được tổ chức, sắp xếp phù hợp với yêu cầu đổi mới qua từng thời kỳ, vừa phục vụ tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vừa góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Các đơn vị đã tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia, công trình hạ tầng phục vụ dân sinh, đóng góp đáng kể vào thu nhập quốc dân, bảo đảm an sinh xã hội; tham gia thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Toàn quân đã chú trọng tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện đời sống của bộ đội.

5. Truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội ta đã xây đắp nên truyền thống rất vẻ vang, được khái quát cô đọng trong lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm 18 vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[6]. Truyền thống đó được thể hiện:

- Trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

- Quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng.

- Gắn bó máu thịt với Nhân dân, quân với dân một ý chí.

- Đoàn kết nội bộ; cán bộ, chiến sĩ bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, thương yêu, giúp đỡ nhau, trên dưới đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động.

- Kỷ luật tự giác, nghiêm minh.

- Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, cần, kiệm xây dựng Quân đội, xây dựng đất nước, tôn trọng và bảo vệ của công.

- Lối sống trong sạch, lành mạnh, có văn hóa, trung thực, khiêm tốn, giản dị, lạc quan.

- Luôn luôn nêu cao tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, ứng xử chuẩn mực, tinh tế.

- Đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình.

II. LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

1. Lịch sử Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Quốc phòng toàn dân là nền quốc phòng mang tính chất “vì dân, do dân, của dân”, phát triển theo phương hướng: toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, do Nhân dân làm chủ, nhằm giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước, sẵn sàng đánh bại mọi hành động xâm lược và bạo loạn lật đổ của các thế lực đế quốc và phản động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[7].

Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Nền quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ và mang bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Việt Nam xây dựng sức mạnh quân sự, quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Đảng, Nhà nước ta chủ trương phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng cường khả năng quốc phòng, an ninh, phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại thành một thể thống nhất để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhất là các cuộc khởi nghĩa, các cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc do Nhân dân ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bất kỳ giai đoạn nào, phải đương đầu với kẻ thù hung bạo đến đâu, nếu cổ vũ, động viên, quy tụ được sức mạnh toàn dân thì dân tộc ta đều giành thắng lợi vĩ đại, bảo đảm sự bền vững của độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Xuất phát từ vai trò của công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đồng thời thể theo nguyện vọng của quân và dân cả nước, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa VI đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22/12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Ngày 22/12/1989, lần đầu Ngày hội Quốc phòng toàn dân được tổ chức tại tất cả các địa phương trong cả nước. Từ đó đến nay, ngày 22/12 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội.

2. Ý nghĩa của Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Lấy ngày 22/12 là Ngày hội Quốc phòng toàn dân là sự kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc giữ nước của dân tộc ta qua các giai đoạn lịch sử; là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước; tiếp tục khẳng định quan điểm toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Đây thực sự là ngày hội của truyền thống dựng nước và giữ nước, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân trong tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cổ vũ, động viên toàn dân chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trên từng địa phương, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh trong tình hình mới.

Hằng năm, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã có rất nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo để tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân, như: Mít tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân - dân, ngày hội văn hóa quân - dân, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; tổ chức gặp mặt, giao lưu, nói chuyện truyền thống, thăm hỏi động viên các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao, hội thao quân sự trong lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết tặng các đối tượng chính sách; tham gia xây dựng, tu sửa, tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ; tổ chức dâng hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ...

Các cấp, các ngành, cấp ủy và chính quyền các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, gắn với xây dựng và phát triển tiềm lực quốc phòng, an ninh qua các chương trình, các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tích cực tham gia xây dựng và củng cố quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh. Thông qua đó, “thế trận lòng dân” ngày càng được củng cố vững chắc, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường; thế trận lòng dân được chú trọng; thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, được củng cố vững chắc”[8].

III. XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI, CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Các nước lớn vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh quyết liệt; tăng cường điều chỉnh chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng. Nhiều điểm nóng, xung đột tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại, nhiều hình thái chiến tranh mới làm thay đổi môi trường chiến lược. Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt, tác động tiêu cực đến sự tồn tại, phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ở trong nước, mặc dù đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, kinh tế vĩ mô bảo đảm ổn định nhưng chưa thật sự vững chắc; tiềm lực đất nước tiếp tục được tăng cường, uy tín, vị thế trên trường quốc tế được nâng cao, song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ Đảng ta xác định vẫn còn hiện hữu; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi; sự xuống cấp của một số giá trị văn hóa và đạo đức, những mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội còn diễn biến phức tạp. Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội với âm mưu, thủ đoạn ngày càng công khai, trực diện và tinh vi hơn.

Tình hình đó đặt ra những khó khăn, thách thức mới đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong những năm tới; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, trong lịch sử xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân; khơi dậy và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa tốt đẹp, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” vững chắc. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam, đường lối, quan điểm của Đảng, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Chú trọng xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng, nâng cao tính bền vững và khả năng huy động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong các tình huống. Xây dựng khu vực phòng thủ các cấp vững chắc, tạo thế bố trí phòng thủ liên hoàn trên từng địa bàn và phạm vi cả nước. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội và đối ngoại theo đúng quan điểm chỉ đạo: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Điều chỉnh tổ chức Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, gắn với bố trí lại lực lượng và nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội. Giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và nghệ thuật quân sự Việt Nam; thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”; sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; nâng cao năng lực phòng, chống chiến tranh không gian mạng, chiến tranh thông tin. Đồng thời, quan tâm, chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và chính sách hậu phương quân đội.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo tinh thần Kết luận số 53 ngày 28/4/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW ngày 26/2/2024 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” trong hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, kiên định chính sách quốc phòng “Bốn không” của Việt Nam trong quan hệ quốc tế (không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Từ đó, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tăng cường lòng tin chiến lược, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, cùng phát triển, góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

IV. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ, NHỮNG CHIẾN CÔNG VẺ VANG  CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HÀ TĨNH

1. Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Ra đời từ trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, ngay sau ngày đất nước mới giành được độc lập (9/1945) lực lượng giải phóng quân của tỉnh đã phối hợp lực lượng vũ trang Nghệ An, quân và dân nước bạn Lào chủ động tấn công đồn Na Pê ở khu vực biên giới. Đây là trận phối hợp chiến đấu đầu tiên và là chiến thắng chung của quân dân hai tỉnh Hà Tĩnh - Nghệ An và nhân dân Lào anh em, ngăn chặn âm mưu xâm lược của thực dân Pháp từ hướng Tây xuống địa bàn Nghệ Tĩnh.

Cũng thời gian này, thực dân Pháp được sự giúp đỡ của đồng minh đã nổ súng xâm lược Sài Gòn - Chợ Lớn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Thực hiện phong trào ủng hộ đồng bào Nam Bộ kháng chiến, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã quyết định cử bốn Phân đội Giải phóng quân, mỗi phân đội gồm 60 cán bộ, chiến sỹ cùng với 250 tự vệ chiến đấu và 32 cán bộ công an, trinh sát cùng với vũ khí trang bị, khẩn trương lên đường tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ.

Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Hà Tĩnh là hậu phương nhưng cũng phải chống chọi với nhiều cuộc tập kích, phá hoại của địch. Trong đó đã 38 lần đánh địch bật ra khỏi biên giới, bờ biển, tiêu diệt 110 tên địch, bảo vệ vững chắc hậu phương. Tiêu biểu như trận chiến đấu chống càn của quân và dân xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên ngày 04/9/1953, địch sử dụng 2 đại đội lính Âu Phi và ngụy quân có máy bay, pháo binh yểm trợ chia thành 3 mũi đổ bộ đánh vào xã Cẩm Nhượng, nhưng quân và dân ta đã nêu cao tinh thần cảnh giác, chiến đấu kiên cường dũng cảm, tiêu diệt 30 tên địch, làm bị thương nhiều tên và thu nhiều súng đạn, sau nửa ngày chiến đấu địch đã phải rút chạy ra biển, giữ vững được địa bàn, góp phần phá vỡ âm mưu của địch nhằm  ngăn chặn sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.

Không chỉ bảo vệ vững chắc hậu phương, trong thời gian này lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã chi viện kịp thời cho các chiến trường, cử hàng trăm cán bộ, chiến sỹ gia nhập Trung đoàn quân tình nguyện ở Lào (Trung đoàn Trung Lào) để tham gia chiến đấu và đảm nhận vai trò hậu phương cho các chiến dịch, toàn tỉnh đã xây dựng 37 trạm vận chuyển, huy động 56.000 thanh niên xung phong và dân công, trong đó có 28.300 người trực tiếp phục vụ chiến đấu trên đất Lào với 1.299 chiếc thuyền, 394 xe đạp thồ, đã vận chuyển được 3.409 tấn gạo, 150 tấn muối và 2.102 con trâu phục vụ cho các chiến dịch ở nước bạn Lào, góp phần to lớn vào chiến thắng Trung Lào.

Trung đoàn 103 và một số đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh đã có mặt tham gia chiến đấu ở mặt trận Bình - Trị - Thiên ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Đơn vị đã phối hợp với các đơn vị bạn đánh 161 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 856 tên địch, bắt và làm bị thương 337 tên, phá hủy 20 xe quân sự, 2 ca nô, thu nhiều vũ khí phương tiện, giải tán 84 hội tề. Ngoài ra Hà Tĩnh còn huy động 2.235 tấn gạo, 29 tấn muối phục vụ bộ đội chiến đấu, góp phần cùng quân dân Bình - Trị - Thiên đánh bại một bước chính sách bình định của thực dân Pháp.

Bước vào giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Trung đoàn 103 được điều động để thành lập Đại đoàn 304, ngoài ra có nhiều cán bộ, chiến sỹ, nhiều đại đội bộ đội địa phương con em Hà Tĩnh đã gia nhập vào Đại đoàn 325 để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã huy động hàng ngàn dân công và thanh niên xung phong vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm ra chiến trường. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều cán bộ, chiến sỹ là những người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh đã dũng cảm chiến đấu quên mình và anh dũng hy sinh vì thắng lợi cuối cùng, tiêu biểu như anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho đồng đội tiến lên.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh với tinh thần nỗ lực cao nhất cùng với toàn dân vượt qua mọi khó khăn gian khổ dũng cảm chiến đấu, đánh bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của địch, bảo vệ vững chắc hậu phương, dốc sức chi viện cho các chiến trường, lập công xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

2. Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh là tiền tuyến của miền Bắc và hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Mảnh đất Hà Tĩnh trở thành địa bàn trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Chúng đã nhiều lần tung gián điệp biệt kích hoạt động chống phá, sử dụng trên 4 vạn lần chiếc máy bay ném xuống đất Hà Tĩnh hơn 200.000 tấn bom đạn các loại, gây hậu quả rất nặng nề. Trước những khó khăn thử thách và bom đạn ác liệt của kẻ thù, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã cùng nhân dân kiên cường bám trụ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo đảm giao thông vận tải, chi viện cho các chiến trường với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Thực hiện âm mưu phá hoại miền Bắc và ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam, từ đầu năm 1963, đế quốc Mỹ đã tổ chức nhiều toán gián điệp biệt kích xâm nhập địa bàn tỉnh Hà Tĩnh để điều tra, nắm các hoạt động của ta như chuyển quân, vận tải lượng thực, vũ khí, xây dựng các công trình quốc phòng... chuẩn bị cho kế hoạch đánh phá miền Bắc. Với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao, lực lượng vũ trang tỉnh và quân chúng nhân dân đã phát hiện bắt gọn và tiêu diệt hầu hết các toán gián điệp biệt kích của địch, riêng trong năm 1963 lực lượng vũ trang nhân dân xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn và lực lượng vũ trang nhân dân xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên đã bắt gọn và tiêu diệt hai toán biệt kích 14 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị.

Để mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, đế quốc Mỹ đã sử dụng tối đa mọi phương tiện chiến tranh hiện đại đánh vào hậu phương của cả nước, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, trong đó Hà Tĩnh là một trong những trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ, nhiều nơi chúng tập trung đánh phá có tính chất hủy diệt như: Ngã ba Đồng Lộc, núi Nài, phà Linh Cảm, phà Bến Thủy, ngã ba Thình Thình... với tinh thần cảnh giác và anh dũng trong chiến đấu quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 267 máy bay các loại, bắn chìm, bắn cháy 34 tàu chiến, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Trong đó trận phục kích đánh máy bay Mỹ bảo vệ trạm ra đa núi Nài ngày 26/3/1965 quân và dân Hà Tĩnh đã lập nên một chiến công vang dội. Đây là một trận chiến đấu không cân sức giữa một bên là lực lượng vũ trang nhân dân trang bị vũ khí thô sơ, một bên là không quân Mỹ với phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng với lòng dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, ta đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ. Đây là chiến công xuất sắc nhất của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chiến thắng núi Nài ngày 26/3/1965 đã cổ vũ mạnh mẽ khí thế quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta, tạo tiền đề vững chắc cho lực lượng vũ trang Hà Tĩnh lập công xuất sắc trong những trận đánh trả máy bay, tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ sau này.

Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, các lực lượng vũ trang địa phương còn huy động hàng chục vạn ngày công cùng với các lực lượng giao thông, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến đào đắp hàng triệu khối đất, đá để san lấp hố bom, khắc phục cầu đường; mở nhiều tuyến đường mới với chiều dài hơn 500km, sửa chữa 654km đường bị đánh phá, rà phá được gần 50.000 quả bom, mìn các loại, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải trên địa bàn, giữ vững mạch máu giao thông, chi viện kịp thời cho các chiến trường đánh Mỹ.

Trong thời kỳ gay go quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến, nhiều đơn vị bộ đội Hà Tĩnh đã tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ quốc tế ở các tỉnh Khăm Muồn và Bôlykhămxay của nước bạn Lào. Các đơn vị bộ đội Hà Tĩnh đã cùng với lực lượng vũ trang của bạn đánh 210 trận, tiêu giệt 1750 tên địch, gọi hàng 350 tên, phá hủy 37 xe cơ giới bắn rơi 30 máy bay, giải phóng 54 làng bản, góp phần mở rộng vùng giải phóng ở khu vực Trung Hạ Lào và đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Lào đến toàn thắng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh đã bổ sung một lực lượng lớn cho quân đội gồm 9 vạn thanh niên nam, nữ, chiếm hơn 10% tổng dân số. Riêng trong quý I năm 1975 lực lượng vũ trang và toàn dân đã huy động 3 trung đoàn, 2 tiểu đoàn, 5 đại đội, với 8.091 cán bộ, chiến sỹ và 14.901 tân binh lên đường vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, tỉnh Hà Tĩnh đã có rất nhiều tấm gương chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhiều tên đất, tên làng đã ghi dấu chiến công vào lịch sử của quê hương, đất nước. Tiêu biểu có đội nữ dân quân xã Kỳ Phương (Kỳ Anh), làng K130 (Tiến Lộc - Can Lộc), núi Nài (Thành phố Hà Tĩnh)… Các anh hùng: Phan Đình Giót, Dương Chí Uyển, La Thị Tám, Vương Đình Nhỏ, Nguyễn Xuân Lực… đặc biệt Tiểu đội 4 - Đại đội 552 Thanh niên xung phong (10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc)  đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm truyền thống anh hùng của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam.

3. Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1991)

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phát huy truyền thống anh dũng kiên cường, bất khuất trong chiến tranh, quân và dân Hà Tĩnh ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân.

Ngày 16 tháng 01 năm 1976, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định số 25/QĐ-QP hợp nhất Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh.

Trong thời gian này lực lượng vũ trang Nghệ Tĩnh đã tham gia xây dựng khu căn cứ chiến lược tây bắc Nghệ Tĩnh, làm hàng trăm km đường giao thông, rà phá bom mìn giải phóng đất đai cho nông dân sản xuất, tham gia xây dựng nhiều công trình để phát triển kinh tế - xã hội. Song song với nhiệm vụ đó, lực lượng vũ trang tỉnh đã tích cực củng cố lực lượng, tổ chức huấn luyện cho các đơn vị, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1978 và 1979, hàng ngàn người con của Hà Tĩnh lại cầm súng lên đường tham gia chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây Nam và phía Bắc, nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc, anh dũng hy sinh góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta.

4. Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, thực hiện đường lối đổi mới đất nước (từ năm 1991 đến nay)

Trong những năm đầu đổi mới của đất nước, quân và dân Hà Tĩnh đã vượt qua những khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng an ninh.

Ngày 30 tháng 9 năm 1991, thực hiện quyết định của Bộ Quốc Phòng, Bộ chỉ huy quân sự Hà Tĩnh được tái thành lập, sau 15 năm sáp nhập với các lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An.

Phát huy truyền thống của quê hương, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh được chú trọng quan tâm xây dựng, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh, phòng chống có hiệu quả chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo lạo lật đổ của các thế lực thù địch, bám sát cơ sở, nắm chắc mọi diễn biến tình hình. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, giải quyết kịp thời các vụ việc, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân từng bước được xây dựng và củng cố cơ bản liên hoàn vững chắc. Lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên được chú trọng xây dựng củng cố và hoạt động hiệu quả. Chất lượng xây dựng chính quy, xây dựng môi trường văn hóa đi vào chiều sâu vững chắc. Diện mạo cơ quan Bộ Chỉ huy và các đơn vị ngày càng được đổi mới, khang trang, xanh, sạch, đẹp.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng ngày càng được nâng lên, nhất là sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức lối sống và thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Tích cực đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, kết hợp chặt chẽ giữa công tác giáo dục với công tác quản lý con người, quản lý vũ khí trang bị kỹ thuật, làm tốt công tác bảo đảm Hậu cần, tài chính, tạo sự chuyển biến thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào tôn giáo, vùng tái định cư. Làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, giải quyết kịp thời những chính sách tồn đọng sau chiến tranh. Tham gia tích cực các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa và thực hiện tốt phong trào ‘Lực lượng vũ trang chung sức xây dựng nông thôn mới”, tham gia xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh thường xảy ra thiên tai bão lụt, lực lượng vũ trang tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức luyện tập, kịp thời cơ động và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng địa phương cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong thiên tai bão lũ, trong cứu hộ, cứu nạn, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” lại càng tỏa sáng trong lòng nhân dân.

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác tăng gia, sản xuất chăn nuôi. Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả tốt. Trong điều kiện đất đai, tài nguyên không thuận lợi, thời tiết khắc nghiệt, các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, chăn nuôi,  góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ. Công tác bảo đảm kỹ thuật, vũ khí trang bị có nhiều tiến bộ rõ nét. Cuộc vận động “Quản lý khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” được triển khai tích cực trong lực lượng vũ trang tỉnh. Phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phát triển sâu rộng, bình quân hành năm có từ 5- 8 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng và mang lại hiệu quả thiết thực... góp phần nâng cao chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Luôn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang Quân khu 4 và phong trào thi đua yêu nước của tỉnh.

V. NHỮNG NÉT TRUYỀN THỐNG TIÊU BIỂU CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HÀ TĨNH

1. Những nét truyền thống tiêu biểu của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thượng vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 4, của cấp ủy, chính quyền, sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành đoàn thể địa phương, sự đùm bọc che chở của nhân dân, sự phối hợp, hiệp đồng của các đơn vị bạn, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã xây nên truyền thống vẻ vang "Trung hiếu, đoàn kết, dũng cảm, sáng tạo". Truyền thống đó là sự kế thừa, phát huy, phát triển và làm phong phú truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, của Quân đội và của quê hương Hà Tĩnh trung dũng kiên cường.

Bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang nhân dân Hà Tĩnh được hình thành và kết tinh từ trong chiến đấu, lao động, công tác, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở vùng đất "địa linh nhân kiệt" có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng, có nhiều chiến công to lớn trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và chống chọi với thiên nhiên. Do vậy, truyền thống của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh vừa mang đậm dấu ấn truyền thống của Quân đội, của lực lượng vũ trang Quân khu 4, vừa có những nét tiêu biểu, đó là:

Một là, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trong mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công của Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó quyết định bản chất giai cấp, ý chí chiến đấu, tình yêu quê hương đất nước, lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào lực lượng vũ trang Hà Tĩnh cũng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu lý tưởng cao cả của Đảng, của giai cấp, của Quân đội  đó là: Độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu, nguyên vọng chính đáng của cả dân tộc, đồng thời cũng là nguyện vọng của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Hà Tĩnh. Vì vậy, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh luôn một lòng trung thành và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trong những năm kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đầy gian khổ và ác liệt, dù phải chịu nhiều hy sinh, mất mát, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh vẫn kiên cường chiến đấu vì sự nghiệp cách nạng của Đảng, của dân tộc hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Bộ tư lệnh Quân khu giao phó. Tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc vì nhân dân đã trở thành tình cảm, trách nhiệm và bản lĩnh chính trị của mọi cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Hà Tĩnh.

Trong chiến tranh vùng đất Hà Tĩnh bị tàn phá nặng nề nhưng lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Tĩnh vẫn kiên cường bám trụ vừa sản xuất, vừa vững vàng tay súng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, lập nên những chiến công vang dội như trận chiến đấu chống càn ở Cẩm Nhượng (ngày 04/9/1953), trận truy kích  biệt bích ở Cẩm Hưng (đêm 8/10/1963), trận đánh máy bay Mỹ ở núi Nài (ngày 26/3/1965), chiến thắng ngã ba Đồng Lộc... mãi mãi là niềm tự hào của lực lượng vũ trang nhân dân Hà Tĩnh.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         

Hai là, dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu và lao động, có ý chí quyết chiến, quyết thắng, và biết đánh, biết thắng mọi kẻ thù.

Truyền thống dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu và lao động, có ý chí quyết chiến, quyết thắng, và biết đánh, biết thắng được bắt nguồn từ truyền thống và nghệ thuật quân sự của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; đồng thời cũng xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, tinh thần cách mạng tiến công. Trong 80 năm qua lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã nêu cao tinh thần tích cực, chủ động, khắc phục mọi khó khăn, dũng cảm, sáng tạo nghĩ ra nhiều cách đánh thông minh, độc đáo chiến thắng mọi kẻ thù.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hà Tĩnh là vùng tự do, nhưng 3 phía Đông, Tây, Nam đều bị địch uy hiếp, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh vừa phải bảo đảm đánh địch tại chỗ, giữ vững địa bàn. Đồng thời có nhiệm vụ chi viện kịp thời cho các chiến trường để mở các chiến dịch đánh vào vùng địch kiểm soát như ở mặt trận Bình - Trị - Thiên và Trung, Hạ Lào vừa bảo vệ vững chắc hậu phương, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng nước bạn phát triển. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh luôn phải gánh chịu sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, nhưng lực lượng vũ trang Hà Tĩnh luôn đứng vững, sáng tạo trong chiến đấu. Trong đảm bảo giao thông có nhiều đối sách thích hợp để giành chiến thắng. Ngay trận đầu (ngày 26/3/1965) với thế trận nghi binh lừa địch, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã đạt được hiệu suất chiến đấu cao, bắn cháy 4 máy bay địch trên trận địa núi Nài.

Ba là, đoàn kết nội bộ, gắn bó máu thịt với Nhân dân, quân với dân một ý chí.

Đoàn kết nội bộ, gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí cũng là nét thể hiện truyền thống quý báu của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh. Trong quá trình chiến đấu, công tác, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trên dưới đồng lòng, đồng cam cộng khổ để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong mọi thời điểm.

Mối quan hệ máu thịt với nhân dân của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh được kế thừa từ bản chất, truyền thống của Quân đội. Là con em của nhân dân, ra đời trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, trải qua 80 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh luôn luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân, vì Nhân dân, được Nhân dân tin yêu đùm bọc, chăm sóc giúp đỡ, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đó là bản chất truyền thống tốt đẹp, là cội nguồn sức mạnh của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh trong 80 năm qua.

Trong kháng chiến, cũng như trong hòa bình, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Hà Tĩnh không quản ngại hy sinh để giải phóng sự áp bức bóc lột của kẻ thù cho nhân dân, bảo vệ dân, luôn đồng cam cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi, giúp đỡ nhân dân, nhất là những lúc hoạn nạn, khó khăn, thiên tai, địch họa, cán bộ, chiến sỹ luôn xả thân cứu người, cứu tài sản là một minh chứng cho tinh thần sẵn sàng hy sinh quên mình vì nhân dân của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh.

Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã tích cực tham gia lao động sản xuất, xung kích đến những nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các tầng lớp Nhân dân coi cán bộ, chiến sỹ như con em của mình, hết lòng cưu mang, che chở, giúp đỡ, nhất là lúc khó khăn hiểm nghèo.

Bốn là, hậu phương, tiền tuyến đồng lòng luôn vì cả nước, cùng cả nước; gắn bó thủy chung với nước bạn Lào.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Tĩnh là hậu phương trực tiếp của mặt trận Bình - Trị - Thiên. Đảng bộ, Nhân dân, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh xác định: "Quảng Bình - Hà Tĩnh cùng trên một dải đất, trong một hoàn cảnh, chung một nhiệm vụ mà Quảng Bình là tiền tuyến, Hà Tĩnh là hậu phương. Đánh địch ở Quảng Bình tức là giữ vững Hà Tĩnh. Hướng chính về quân sự là Quảng Bình và phải huy động mọi mặt ra trước mặt trận".

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh là nơi bị địch đánh phá ác liệt nhất trên toàn tuyến Quân khu 4, các lực lượng vũ trang đã cùng nhân dân địa phương vượt qua mọi khó khăn thử thách và bom đạn ác liệt của kẻ thù, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, chi viện cho các chiến trường đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Lòng trung thành với Đảng, tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh được thể hiện cao nhất ở ý chí quyết đánh và quyết thắng kẻ thù. Mọi suy nghĩ, hành động của quân và dân Hà Tĩnh đều tập trung cao nhất vào nhiệm vụ đánh Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Những khẩu hiệu: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn", "Một tấc không đi, một ly không rời","Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm" “Xe chưa qua, nhà không tiếc” đã trở thành phương châm hành động, thành những huyền thoại và gắn liền với những chiến công oanh liệt của mảnh đất, con người Hà Tĩnh anh hùng.

Hà Tĩnh là một tỉnh có chung đường biên giới với bạn Lào, từ khi ra đời cho tới nay, các lực lượng vũ trang Hà Tĩnh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm quốc tế của Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tinh thần “Giúp bạn là tự giúp mình” và theo yêu cầu của bạn, ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp tỉnh đã cử một đơn vị giải phóng quân sang phối hợp cùng quân, dân Lào chiến đấu giải phóng Na pê, sau đó nhiều cán bộ quân sự của tỉnh ta, các đội vũ trang 812, 813, 912, 913 sang làm chuyên gia cố vấn giúp bạn xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang và tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên đất bạn Lào. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều đơn vị bộ đội Hà Tĩnh đã tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào ở các tỉnh Khăm Muộn và Bô ly khăm xay, góp phần vào thắng lợi của quân và dân nước bạn Lào. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lực lượng vũ trang Hà Tĩnh còn làm nhiệm vụ quốc tế như: Tìm kiếm, cất bộc mộ liệt sỹ, xây dựng cơ sở chính trị, giúp bạn huấn luyện cán bộ quân sự, sữa chữa vũ khí, trang bị, sắp xếp kho tàng, xây dựng trụ sở làm việc... làm sáng đẹp thêm tư tưởng của Bác Hồ: "Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".

2. Những phần thưởng cao quý

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến to lớn của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh trong kháng chiến giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng cho lực lượng vũ trang Hà Tĩnh những phần thưởng cao quý sau:

- Phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng vũ trang Hà Tĩnh (năm 1978). Ngoài ra Đảng, Nhà nước còn phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 212 tập thể và 37 cá nhân trên địa bàn tỉnh (201 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, 11 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ đổi mới, 04 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Pháp, 31 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ và Bảo vệ Tổ quốc, 02 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ đổi mới).

- Tặng thưởng 01 Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 01 Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, 01 Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, 01 Huân chương Chiến công hạng Ba cho lực lượng vũ trang nhân Hà Tĩnh.

- Toàn tỉnh có 28.444 liệt sỹ, 37.169 thương binh, 1.514 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

- Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ và nhiều tập thể được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại, những phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và Nhà nước Bạn.

 

IV. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ, NHỮNG CHIẾN CÔNG VẺ VANG  CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HUYỆN CẨM XUYÊN

Huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng của tỉnh Hà Tĩnh, là vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước, cách mạng và đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Với vùng đất có thế núi, thế biển lợi hại, nên trong lịch sử giữ nước, nơi đây thực sự là "phên dậu", là "lá chắn" của Hà Tĩnh trước biển Đông và sau dãy Hoành Sơn.

  Lực lượng vũ trang Cẩm Xuyên (LLVT) được thành lập 19/12/1946. Trong kháng chiến luôn là lực lượng nòng cốt cho toàn dân chiến đấu bảo vệ địa phương, xây dựng hậu phương chiến lược, cung cấp sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần cùng toàn đảng toàn, toàn quân, toàn dân hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ Quốc, đưa cả nước tiến lên CNXH.

1. Lực lượng vũ trang Cẩm Xuyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

 Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, LLVT nhân dân Huyện Cẩm xuyên đã đoàn kết nhất tề đứng lên giành chính quyền cùng với nhân dân cả nước, Cẩm xuyên là một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất trong tỉnh. Sau cách mạng tháng tám là đơn vị đi đầu trong phong trào diệt giặc đói giặc dốt, được Bác Hồ gữi thư khen ngợi. Năm 1946 với tinh thần cảnh giác cao, LLVT nhân dân Huyện Cẩm xuyên đã bắt gọn toán gián điệp đầu tiên do tên Lương Văn Phổ cầm đầu. Quân dân Cẩm xuyên đã 3 lần đánh bại quân Viễn chinh Pháp đổ bộ vào Cẩm nhượng trong những năm 1948, 1949, 1953. Tiêu biểu như trận chiến đấu chống càn của quân và dân xã Cẩm Nhượng ngày 04/9/1953, địch sử dụng 2 đại đội lính Âu Phi và Ngụy quân có máy bay, pháo binh yểm trợ chia thành 3 mũi đổ bộ đánh vào xã Cẩm Nhượng, nhưng quân và dân ta đã nêu cao tinh thần cảnh giác, chiến đấu kiên cường dũng cảm, tiêu diệt và làm bị thương 45 tên, bắt sống 13 tên, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, sau nửa ngày chiến đấu địch đã phải rút chạy ra biển, giữ vững được địa bàn, góp phần phá vỡ âm mưu của địch nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.

Theo lời kêu gọi của Đảng, chính phủ và Hồ Chủ Tịch, đã có 1,5 vạn con em Cẩm xuyên lên đường nhập ngủ và đi dân công vận tải Bình trị thiên, Thượng Lào và mặt trận Điện Biên Phủ. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh để lại những chiến công oanh liệt vẻ vang, tiêu biểu nhất là liệt sỹ anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lổ châu mai mở đường cho đồng đội tiến lên tiêu diệt quân thù, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) lừng lẫy Năm châu chấn động địa cầu. Đây là nét đẹp rạng ngời chân dung anh Bộ đội Cụ Hồ mà lớp lớp thanh niên cả nước nọi theo để tiép tục lên đường đánh Mỹ, và thắng Mỹ.

2. Lực lượng vũ trang huyện Cẩm Xuyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh cao là cuộc chống chiến tranh phá hoại của địch, trước những thủ đoạn đánh phá ác liệt và dã man tàn bạo của kẻ thù, Đảng bộ lãnh đạo quân dân toàn huyện vượt qua mọi khó khăn trở ngại, dũng cảm độc lập chiến đấu và phối hợp chiến đấu, giáng cho địch những đòn đích đáng. Ngày 26/3/1965 không lực Hoa Kỳ vào núi Nài, trung tâm của tỉnh trong đó có Cẩm xuyên chúng ta. Gần 10 năm trực tiếp đương đầu với đế quốc Mỹ quân và dân Cẩm xuyên đã anh dũng kiên cường, bắn rơi 25 máy bay, bắn cháy và chìm 9 tàu chiến Mỹ, riêng lực lượng Dân quân tự vệ đã độc lập bắn rơi 8 máy bay, có 3 chiếc rơi tại chổ trong đó có cả trực thăng AĐ6 và L19. Nhiều xã đã trực tiếp chiến đấu quyết liệt, chịu nhiều mất mát hy sinh, cố gắng nhanh chóng khắc phục hậu quả sau nhiều trận đánh, nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng cho trận đánh mới. Toàn huyện đã bắt gọn 6 toán gián điệp, biệt kích, bắt sống 1 tên giặc lái, tiêu diệt 2 tên khác giữ vững vị trí an toàn địa bàn. Đó là những mốc son chói lọi khắc sâu lời nguyền thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và làm rạng ngời chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

LLVT nhân dân Cẩm xuyên đã phục vụ tốt yêu cầu chiến đấu và chi viện tiền tuyến. Cùng với bộ đội đào đắp 495 hầm pháo, 25,000 hầm cho xe trú ẩn và ẩn phà, tổ chức 57 đội xe thồ và đoàn vận tải trên bộ trên sông trên biển, vận chuyển 161.213 tấn vũ khí đạn dược, 4.568 tấn lương thực, 1.860 tấn mắm chợp và hơn 1800 lần chèo đò chở quân qua sông. Riêng quân y đã cấp cứu chuyển tải 870 đ/c thương binh liệt sỹ đưa về tuyến sau an toàn. LLVT cùng với nhân dân đã đóng góp 1.120 m3 gỗ, 1.260 tấn phên, giẻ lau vũ khí, 5 vạn ngày công kéo pháo, phục vụ trận địa, quyên góp ủng hộ Bộ đội và mừng chiến thắng sau từng trận đánh 10 tấn thực phẩm, 20 triệu đồng hàng hoá như yếu phẩm. Đã huy động 3 vạn lượt người phục vụ Hoả tuyến ở chiến trường và 5 vạn phục vụ Trung tuyến. Trong đó có 2 đại đội phục vụ ở chiến trường B và trung Lào, đã bắn rơi 3 máy bay, được chính phủ tặng huân chương chiến công hạng 2 và hạng 3. Tiêu biểu cho hàng vạn người dân lên đường làm nhiệm vụ hoả tuyến có ông Lê Ngọc Lưu người Cẩm Thịnh, đi tất cả 7 khoá dân công, mang vác nặng với tổng số km đường đi là rất lớn.

Dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của cán bộ các cấp, từng xã, từng thôn, từng nhà trong toàn Huyện đều tự chuẩn bị kỹ sọt dự trữ vật liệu, đất đá gỗ lạt, cọc tiêu để sẳn sàng cứu đường thông xe. Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng sáng kiến của mình, đội Công binh ở bến phà cầu Họ đã nâng lực tải phà từ 12 tấn lên 16 tấn để lần lượt chở 24 giàn tên lửa vượt sông trong đêm an toàn kịp vào tuyến lửa Vĩnh Linh bắn rơi pháo đài bay B52.

Trong chiến tranh phá hoại quân và dân huyện nhà đã khôn khéo tổ chức nếp sống thời chiến khoa học nhất trong toàn tỉnh, nhờ vậy, mặc dù bị đánh phá ác liệt, Cẩm xuyên vẫn là huyện có số thương vong thấp nhất, tài sản hư hại ít nhất huy động được sức người, sức của nhiều nhất: Cẩm xuyên có 11.270 thanh niên lên đường nhập ngủ. Toàn huyện có 150 đài quan sát, 100 đội gác gom, cứu thương, đào đắp, xây cất 40.000 nhà âm và nhà đất để đưa mọi sinh hoạt của gia đình vào trong lòng đất tránh thương vong một cách tuỵệt đối. Tự xây 595 hầm xe pháo, 2000 lán, 103.310 chiếc hầm Triều tiên cho học sinh học tập và ẩn nấp sơ tán 12000 dân ở các vùng trọng đến nơi an toàn.

 Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt trong cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Cẩm xuyên là một trọng đánh phá ác liệt, LLVT nhân dân huyện Cẩm xuyên đã huy động ra chiến trường 15.011 cán bộ, chiến sĩ; 41.693 lượt dân công hỏa tuyến và hàng nghìn thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng... Trong số đó đã có tới 3.247 người hy sinh anh dũng để bảo vệ Tổ quốc; 3.718 thương binh. Toàn huyện có 80 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

3. Lực lượng vũ trang Cẩm Xuyên tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1986)

Sau năm 1975 đất nước được giải phóng - Tổ quốc hoàn toàn thống nhất cả nước đi lên CNXH. Đảng bộ, nhân dân và LLVT Cẩm Xuyên phấn khởi đoàn kết, quyết tâm cùng nhau san lấp hố bom, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương, do hậu quả của chiến tranh để lại nặng nề, đời sống nhân dân còn nghèo, cơ sở vật chất, cở sở hạ tầng còn thiếu thốn, khó khăn. Nhưng với tinh thần tự lực, tự cường không cam chịu đói nghèo lạc hậu, phát huy truyền thống anh hùng trong chống giặc ngoại xâm. Đảng bộ, nhân dân và LLVT Cẩm xuyên đã đoàn kết, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, thống nhất một lòng khắc phục khó khăn, khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng sẳn có của tự nhiên, đất đai rừng, biển, khoáng sản và sức lao động của nhân dân, để khai thác triệt để có hiệu quả đưa nền kinh tế huyện nhà triển toàn diện bảo đảm ổn định đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.

4. Lực lượng vũ trang Cẩm Xuyên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, thực hiện đường lối đổi mới đất nước (từ năm 1986 đến nay)

Phát huy truyền thống kiên cường bất khuất trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ Đất nước đổi mới, LLVT huyện Cẩm Xuyên luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu cho toàn dân xây dựng nền Quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần đáng kể thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển trong xu thế phát triển chung của đất nước. Luôn giữ vững và phát huy tốt truyền thống đơn vị anh hùng LLVT nhân dân, năng động sáng tạo hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, xây dựng lực lượng, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng môi trường văn hoá mới, nhiệm vụ tuyển quân giao quân hàng năm, xây dựng nền Quốc phòng toàn dân - thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận An ninh nhân dân, phát triển vững chắc góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trãi qua hơn 78 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành LLVT Cẩm Xuyên luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vinh dự được công nhận đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân trong sự nghiệp đổi mới đất nước; có 25 xã, thị trấn, đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; 14 lần được UBND Tỉnh, QK4, Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua Quyết thắng; 37 lần được công nhận đơn vị quyết thắng; năm 2001 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 2. Đây là niềm tự hào to lớn, góp phần tô thắm thêm những trang sử vàng truyền thống của quê hương Cẩm Xuyên, đồng thời cũng là động lực quan trọng để LLVT Nhân dân huyện tiếp tục vươn lên thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong giai đoạn cách mạng mới.

Tự hào với truyền thống 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT nhân dân huyện Cẩm Xuyên, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ LLVT huyện luôn tự hào về những chiến công to lớn, vẻ vang mà quân và dân huyện đã lập nên trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Ngày nay, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống "Trung hiếu, đoàn kết, dũng cảm, sáng tạo", hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chúng ta càng phải phấn đấu, rèn luyện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, lập nên nhiều chiến công mới để giữ vững và tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của LLVT Nhân dân huyện anh hùng.

V. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG, XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG  VŨ TRANG CẨM XUYÊN VỮNG MẠNH, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Truyền thống 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang Cẩm Xuyên là tài sản tinh thần vô giá, là tiền đề xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, đẩy nhanh tiến trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Tình hình đó đặt ra cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta những yêu cầu mới cao hơn.

Trên địa bàn Cẩm Xuyên, tình hình kinh tế - xã hội có bước phát triển mới, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị tăng cường các hoạt động chống phá; an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh ở các khu công nghiệp diễn biến phức tạp; đời sống của một số bộ phận nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, là địa bàn thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra...đó là những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Cẩm Xuyên .

Trước những thời cơ và thách thức mới, hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Cẩm Xuyên phải tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phát huy truyền thống vẻ vang 78 năm qua, ra sức xây dựng lực lượng vũ trang Cẩm Xuyên vững mạnh toàn diện, cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương xây dựng nền QPTD ngày càng vững chắc.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lực lượng vũ trang Cẩm Xuyên quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Tăng cường tuyên truyền trong cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù chống phá cách mạng Việt Nam, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng.

Nâng cao cảnh giác, tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch. Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

2. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Ra sức xây dựng chính trị tinh thần, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc. Tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn diện bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở, xã, phường an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu. Xây dựng khu vực phòng thủ mạnh trên các hướng, nhất là hướng trọng điểm, đồng thời thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội.

3. Xây dựng lực lượng vũ trang Cẩm Xuyên vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, bảo đảm cho lực lượng vũ trang có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Làm tốt công tác tổ chức xây dựng lực lượng; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu của cả lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên, xây dựng lực lượng dân quân tập trung của các huyện, thị, thành phố. Nâng cao chất lượng xây dựng chính quy,  rèn luyện kỷ luật trong các cơ quan, đơn vị.

Thực hiện tốt các phong trào thi đua và các cuộc vận động trong và ngoài quân đội, nhất là thực hiện tốt Cuộc vận động phát huy truyền thống, công hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI, XII, XIII) một số cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Tạo sự chuyển biến mới về chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang huyện  , thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

4. Làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, tài chính, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, tài chính, kỹ thuật cho thực hiện mọi nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Cẩm Xuyên .

Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua: “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và Cuộc vận động: “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả thiết thực.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tăng gia, chăn nuôi ở các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là mô hình tăng gia chăn nuôi tập trung, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ.

Kế thừa và tiếp nối mạch nguồn truyền thống trong 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, những năm vừa qua, lực lượng vũ trang huyện đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, làm tốt chức năng tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện   thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tiềm lực và thế trận khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình, dự báo chính xác và xử lý kịp thời các tình huống “từ sớm, từ xa”, không để bị động bất ngờ.

Tập trung nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng thường trực vững mạnh, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên “vững mạnh, rộng khắp”, có cơ cấu số lượng hợp lý, chất lượng cao, quy mô tổ chức biên chế phù hợp với từng loại hình ở đơn vị cơ sở. Tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập các cấp sát với yêu cầu, nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, lấy thực hành làm chính. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn tốt; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ trì các cấp gắn với đấu tranh ngăn chặn kịp thời những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Làm tốt công tác dân vận, triển khai có hiệu quả phong trào “LLVT huyện chung sức xây dựng nông thôn mới”, “LLVT huyện   chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”…; đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa và bảo đảm an ninh, an toàn trong các hoạt động.

Phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong thời gian qua, trong những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chung; tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, khó nhận diện. Tình hình đó đặt ra cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta những yêu cầu mới ngày càng cao hơn.

Trước thời cơ và thách thức mới, hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sĩ LLVT Cẩm Xuyên phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân; nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng LLVT nhân dân trong thời kỳ mới. Không ngừng củng cố xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tiềm lực và thế trận khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu cho Huyện   ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị địa bàn; nâng cao cảnh giác cách mạng, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động thù địch, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Đảng ủy Quân sự huyện đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ và vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp. Tiếp tục quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chính đốn Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao, gương mẫu quán triệt và thực hiện tinh thần “7 dám”: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung.

Tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT huyện, tạo sự chuyển biến ngày càng vững chắc về trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu của LLVT huyện  , thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện   nhà nhanh và bền vững; nhận và hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Kế thừa và tiếp nối mạch nguồn truyền thống, trong những năm qua, LLVT Cẩm Xuyên đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT huyện   không ngừng được nâng lên, trở thành lực lượng nòng cốt trong tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của huyện  . Coi trọng củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT huyện   theo hướng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sư địa phương.

Công tác dân vận đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai đồng bộ, thiết thực; triển khai có hiệu quả phong trào “LLVT huyện chung sức xây dựng nông thôn mới”, “LLVT huyện   chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị đã huy động hàng chục nghìn ngày công tham gia xây dựng cơ sở chính trị, giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và tham gia các chương trình phát triển KT-XH ở địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh phát triển KT-XH trên địa bàn huyện nhà. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, xây dựng nề nếp chính quy, nhằm không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm xử lý kịp thời, hiệu quả với các tình huống xảy ra. Các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn tham gia xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc; kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với lực lượng thế trận an ninh nhân dân, tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân. Đồng thời giải quyết tốt chính sách quân đội, hậu phương quân đội để cán bộ, chiến sĩ yên tâm phục vụ, động viên toàn dân tích cực tham gia xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Tự hào với truyền thống 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân Cẩm Xuyên , các thế hệ cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang huyện luôn tự hào về những chiến công to lớn, vẻ vang mà quân và dân huyện   đã lập nên trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Ngày nay, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống "Trung hiếu, đoàn kết, dũng cảm, sáng tạo", hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chúng ta càng phải phấn đấu, rèn luyện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, lập nên nhiều chiến công mới để giữ vững và tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang Nhân dân Cẩm Xuyên anh hùng.

*

*             *

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của Quân đội và nhân dân ta; qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong những năm tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, ghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXII đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY -

 BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ HUYỆN

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 4.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Sđd, tr. 95.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 356.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 18, Sđd, tr. 287

[5] Số quân Mỹ được đưa vào miền Nam Việt Nam: tháng 4/1965: 18.000 quân; tháng 7/1965: 81.000 quân; tháng 12/1965: 181.000 quân; tháng 12/1966: 376.000 quân; tháng 12/1967: 480.000 quân; tháng 4/1968: 543.000 quân (Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 312).

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 435.

[7] Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 848.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, hà Nội, 2011, tr. 68.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH CẨM XUYÊN
    Thống kê: 140.495
    Trong năm: 39.160
    Trong tháng: 30.147
    Trong tuần: 7.016
    Trong ngày: 1.169
    Online: 18