Để chấp hành nghiêm Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo và phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn; Công an xã Cẩm Thành khuyến cáo đến toàn thể cán bộ, nhân dân và học sinh trên địa bàn cách nhận biết các loại pháo, trách nhiệm của người dân và quy định chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm như sau:
1. Cách nhận biết về pháo
Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định:
- Pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ;
- Pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
Hai loại pháo này theo quy định bị nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt.
- Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng “đốt” chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ. Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới, hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật.
2. Trách nhiệm của người dân
- Người dân không sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ, pháo hoa nổ.
- Chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa để sử dụng. Trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì sẽ bị xử lý hành chính; trường hợp nếu đốt pháo hoa tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng”.
- Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo; không tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ.
- Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, mỗi người hãy báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời theo pháp luật.
Nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo, vũ khí, vật liệu nổ là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá, mừng Đảng, mừng xuân, đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
3. Quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm về pháo
* Xử phạt hành chính:
Theo quy định tại điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì:
- Hành vi che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Theo Điều 8, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì:
- Hành vi buôn bán pháo nổ trái phép sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
- Hành vi sản xuất pháo nổ trái phép sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi buôn bán, tức bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
* Truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Theo quy định tại Điều 190 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” quy định: “Người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ:
+ Từ 06kg đến dưới 40kg thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
+ Từ 40kg đến dưới 120kg thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
+ Từ 120kg trở lên thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm.
- Theo quy định tại Điều 191 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” quy định: “Người nào tàng trữ, vận chuyển pháo nổ:
+ Từ 06kg đến dưới 40kg thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
+ Từ 40kg đến dưới 120kg thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
+ Từ 120kg trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
- Đối với các hành vi sử dụng pháo trái phép (đốt pháo), tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể: sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm./.
Trên đây các quy định của Pháp luật về việc sử dụng, vận chuyển, mua bán và sử dụng pháo yêu cầu toàn thể nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành.