Đốt rơm rạ là hình ảnh khá quen thuộc từ xưa đến nay ở nhiều nơi khi thu hoạch lúa, có nơi lên đến 90%, nhất là vụ Xuân hàng năm. Theo quan niệm của bà con nông dân xưa nay thì việc đốt đồng sẽ có nhiều cái lợi, đó là không tốn công và chi phí xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau mỗi vụ lúa. Đồng thời, tiêu diệt được mầm mống dịch hại và một phần cỏ dại có trên đồng ruộng. Ngoài ra còn tạo ra một lượng tro làm phân bón trả lại cho đất. Song, theo các nhà khoa học thì việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng đã gây ra những tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mà nó mang lại cho đồng ruộng.

Việc đốt rơm rạ vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân, gây lãng phí nguồn tài nguyên, mà còn làm thoái hóa đất canh tác. Đốt rơm rạ trên đồng ruộng là tập quán có hại cho đất và môi trường:

Thứ nhất: Đốt rơm rạ trên đồng làm gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm bầu không khí ở nông thôn. Theo các nhà khoa học thuộc Viện nông nghiệp Việt Nam, việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO2 (dioxid cacbon), các khí độc khác như CH4 (metan), khí CO (cacbon monoxid) và một ít khí SO2 (dioxid sunfur) và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện. Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây ra các chứng bệnh về đường hô hấp, gây co thắt phế quản và không loại trừ nguy cơ gây ung thư phổi.

Thứ hai: Khi đốt cháy, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành chất vô cơ nên tro than của rơm rạ chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng. Theo nghiên cứu, trong 1 tấn rơm chứa 5-8kg đạm, 1,2kg lân, 20kg kali, 40kg silic và 400kg carbon. Tuy nhiên, khi bị đốt thành tro, các chất hữu cơ trong rơm rạ do nhiệt độ cao đều biến thành các chất vô cơ, làm cho đất ruộng bị chai cứng; phần tro than sót lại chỉ có chút ít khoáng như phốt pho, kali, canxi và silic...không giúp ích mấy cho cây trồng. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa.

Thứ ba: Việc đốt rơm rạ còn tiêu diệt các loại côn trùng có ích, làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa - một trong những nguyên nhân gây phát sinh sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến chi phí sản xuất lúa cao.

Thứ tư: Từ ngày 25-8-2022, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực. Khi đó, hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 41 của nghị định quy định: Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính. Ngoài ra, đối tượng vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm, khắc phục sự cố môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính…

Chúng ta nên tận dụng triệt để nguồn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch nhằm biến phế phẩm nông nghiệp thành tài nguyên, an toàn với môi trường và sức khỏe con người, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cao, với một số cách như:

- Làm phân bón hữu cơ: Cứ 1 hecta lúa sẽ cho khoảng 10 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ làm lãng phí nguồn chất hữu cơ làm phân bón tuy nhiên nếu bạn không đốt mà đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 300-400kg phân hữu cơ.

- Sử dụng để tạo độ phì nhiêu cho đất: Sau khi gặt bằng máy gặt đập liên hợp rơm rạ sẽ được máy cắt nhỏ và rải trộn ngay trên ruộng đồng, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ (sử dụng 1-2kg chế phẩm/sào, rải đều lên bề mặt ruộng rồi cày dập gốc rạ, cho nước vào ruộng líp xíp 5 phân). Sau 7 ngày bừa lại ruộng để gieo cấy gốc rơm rạ sẽ mục nát trở thành nguồn phân hữu cơ.

- Tận dụng làm vật liệu vận chuyển: Sử dụng để lót dưới những món đồ dễ vỡ hoặc lót trong các thùng hoa quả khi vận chuyển đi xa.

- Trồng nấm rơm: Rơm dùng để trồng nấm, theo một số nghiên cứu mới đây cứ 1 tấn rơm rạ đem đi trồng nấm sẽ thu được 100-200 kg nấm rơm tươi, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.

- Dùng làm thức ăn cho gia súc (trâu, bò): Rơm là thức ăn yêu thích của gia súc như trâu, bò,... rơm có thể để được lâu mà không bị hỏng. Chỉ cần phơi khô rồi chất thành đóng lớn cho gia súc ăn từ từ.

Có thể thấy, rơm rạ có rất nhiều lợi ích và điều quan trọng là chúng ta sử dụng cách nào để phát huy hết hiệu quả của nó đồng thời hạn chế những tác động gây ô nhiễm môi trường và gây nguy hiểm tới sức khỏe của cộng đồng./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH CẨM XUYÊN
    Thống kê: 183.987
    Trong năm: 81.882
    Trong tháng: 4.880
    Trong tuần: 1.913
    Trong ngày: 269
    Online: 3